Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Du Lịch Đài Loan Có Gì Hấp Dẫn?

Đảo quốc Đài Loan có một tên khác là “Formosa” tức “hòn đảo xinh đẹp”, được phát hiện bởi nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha. Xứng với tên gọi, Đài Loan ngày nay là điểm đến du lịch đa dạng nhất ở châu Á.

Không chỉ được biết đến bởi vẻ đẹp thiên nhiên, Đài Loan mời gọi du khách bằng các kì quan độc đáo như Tòa tháp Taipei cao thứ ba thế giới, Nhật Nguyệt Đàm cùng nhiều điểm tham quan mới lạ khác…

Tháp Taipei 101

Vinh dự được nhận giải Emporis Tòa nhà chọc trời 2004, tháp Taipei 101 là một biểu tượng sáng tạo vĩ đại của con người thành phố Đài Loan hiện nay. Với chiều cao 509m, gồm 101 tầng cao và 5 tầng dưới mặt đất, tháp đã vượt xa chiều cao của tháp Petronas của Malaysia và trở thành tòa nhà cao nhất thế giới lúc mới khánh thành. Theo suy nghĩ người Trung Hoa, “bát” – số 8 là biểu trưng cho sự phồn vinh, sung mãn nên tháp được xây dựng với hình dáng như một thân tre gồm 8 khúc, mỗi khúc lại gồm 8 tầng. Bên trong tòa tháp đầy đủ các tiện nghi giải trí cho khách du lịch như: ẩm thực, xem phim, mua sắm..

Biểu tượng cho sự sáng tạo vĩ đại của con người Đài Loan

Hồ Nhật Nguyệt

Nhật Nguyệt là hồ tự nhiên lớn nhất Đài Loan, nơi thu hút nhiều khách du lịch vì những điều đặc biệt xung quanh vẻ đẹp hùng vĩ và mênh mang xưa cũ. Hồ có phần phía đông tròn như mặt trời, phía Tây lại cong như nửa vầng trăng nên có tên gọi là Nhật Nguyệt. Hồ được bao quanh 1 bề là trùng điệp núi non. Mùa xuân, núi được hoa đào phủ hồng khắp dọc đường đi. Vào hè, dã quỳ mọc vàng ven hồ. Mây trời Nhật Nguyệt xanh trong, thoáng đãng khiến du khách không khỏi nao lòng trước vẻ đẹp trang nhã, thanh tao.

Không gian mênh mang xưa cũ của hồ Nhật Nguyệt

Bảo tàng cố cung Đài Loan

Bảo tàng cố cung Đài Loan là một trong những viện bảo tàng lớn nhất trên thế giới, nơi cất giữ nhiều tuyệt tác nghệ thuật của 5000 năm lịch sử Trung Hoa. Bảo tàng có trên dưới 700.000 cổ vật. Các cổ vật trưng bày tại đây cho thấy bàn tay tài hoa, tinh xảo của những nghệ nhân, đồng thời phản ánh một quá trình phát triển các ngành nghề truyền thống qua từng giai đoạn lịch sử Trung Hoa. Đây là nơi đem lại nhiều điều bổ ích trong việc tìm hiểu bề dày lịch sử của đất nước Trung Hoa, một địa điểm tham quan bổ ích trong hành trình du lịch tại nơi đây.

Nơi trưng bày những tuyệt tác, tinh hoa của Trung Hoa

Nhà kỷ niệm Trung Chánh

Nhà kỷ niệm Trung Chánh hay Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch là một kiến trúc nổi tiếng nhất Đài Loan và là địa điểm du lịch quan trọng của đất nước này. Trong khuôn viên Nhà kỷ niệm này còn có hai kiến trúc quan trọng khác là Nhà hát quốc gia và Trung tâm hòa nhạc Quốc gia. Kiến trúc của Nhà kỷ niệm này đồ sộ và hùng vĩ. Trắng, xanh, đỏ là màu sắc dùng cho kiến trúc này vì đó là màu cờ của đất nước Trung Hoa dưới thời Tưởng Giới Thạch. Mỗi chi tiết nội thất hay họa tiết trang trí đều là một câu chuyện thú vị xoay quanh cuộc đời của ông. Nơi đây thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa – xã hội, lễ hội, chính trị..v.v..

Vẻ đẹp hùng vĩ nhìn từ xa của Nhà kỷ niệm Trung Chánh

Hãy chọn Đài Loan cho hành trình khám phá tiếp theo của bạn để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì diệu của vùng đất này. Hiện nay, Đất Việt Tour đang có chương trình Tour du lich Đài Loan (Cao Hùng – Đài Bắc – Đài Loan) với mức giá ưu đãi cùng nhiều quà tặng giá trị. Truy cập ngay vào website: www.datviettour.com.vn hoặc liên hệ: (08) 3894 1794 - 0968 758 768 để biết thêm thông tin chi tiết.

Viếng thăm di tích đình Thanh Lộc - Vĩnh Phúc

Đình Thanh Lộc cách hồ Đại Lải 8km theo đường Hoàng Hoa Thám hướng đi đèo Nhe. Đình Thanh Lộc được xây dựng trên một khu đất cao, rộng, thoáng đãng.

Đình quay hướng Tây Nam, xung quanh là vùng đồi núi nên thơ, phong cảnh hữu tình tạo cho không gian di tích vừa thơ mộng lại vừa ấm cúng, thâm nghiêm.


Theo lời truyền của nhân dân địa phương, trước kia đình Thanh Lộc được xây dựng với quy mô lớn, song trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và tác động của thời gian nên kiến trúc cổ xưa của đình không còn nữa. Năm 1995, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng ngay trên nền móng của ngôi đình cũ một ngôi đình mới gồm 2 toà: Đại đình và hậu cung nối liền với nhau tạo thành hình chữ “đinh”. Theo bài vị đặt trong ngai thờ thì đình Thanh Lộc thờ hai vị Hoàng Gia đại vương và Nguyễn Đức đại vương. Do ngọc phả của đình không còn nên tiểu sử, hành trạng của các vị thần này chưa được khẳng định rõ ràng.

Từ trước cách mạng tháng Tám cho đến kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Thanh Lộc là một cơ sở quan trọng của chiến khu Ngọc Thanh. Đây là nơi lưu niệm diễn trình xây dựng và phát triển của cách mạng từ thời kỳ hoạt động bí mật đến giai đoạn kháng chiến tổng lực của nhân dân ta. Trước cách mạng tháng Tám, đình là địa điểm rất quan trọng trong con đường giao liên của cách mạng từ Phúc Yên đi đèo Nhe, đèo Khế và sang Thái Nguyên. Ngôi đình nằm gần đường nhưng trong khu vực rừng già nên rất kín đáo, tiện hoạt động, lại có cây đa cổ thụ làm hộp thư của các đồng chí cán bộ cách mạng. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng và xứ uỷ Bắc kỳ đã hoạt động ở đây, nhiều cơ sở trong nhân dân Thanh Lộc được gây dựng như nhà ông Lý Nguyên, ông Nguyễn Thành,…Khi cách mạng tháng Tám nổ ra, đình Thanh Lộc là nơi họp bàn, mít tinh, tuyên thệ thành lập chính quyền của vùng Thanh Lộc. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đình tiếp tục là trạm gác tiền tiêu của chiến khu.

Ngày 16/09/2004 đình Thanh Lộc được Sở Văn hoá – Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận bằng di tích cấp tỉnh. Từ 2011 - 2012, đình được trùng tu. Hiện nay, đến thăm quan di tích lịch sử này, qua tam quan du khách được chiêm ngưỡng hai cây đa cổ thụ (mỗi cây hơn chục cội) hàng trăm năm tuổi tạo thành cổng vòm uy nghiêm cho ngôi đình./.

Khánh thành di tích hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không", ngày 20/12, di tích cách mạng kháng chiến Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu tại Hoàng thành Thăng Long đã chính thức mở cửa đón khách tham quan.


Hầm chỉ huy tác chiến nằm tại khu A Hoàng thành Thăng Long, phía Tây đầu hồi nhà làm việc của Cục tác chiến. Một cửa hầm phía Đông nối với nhà làm việc của Cục tác chiến, cửa phía Nam thông với khu Đoan Môn. Nơi đây, các đồng chí trong Bộ Chính trị, chỉ huy Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo đánh tan 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc; đỉnh cao là trận “Điện Biên Phủ trên không” từ ngày 18/12 - 29/12/1972.

Căn hầm được xây dựng từ năm 1964 đến năm 1965, kết cấu nửa nổi nửa chìm bằng bê tông nguyên khối với khối lượng khoảng 1.000m3, nóc dày 1,4m, tường dày 40cm.

Khi xây dựng Hầm chỉ huy tác chiến, Bộ Tổng tham mưu quyết định đánh sập tầng hai nhà làm việc của Cục tác chiến, tạo ra đống đổ nát ngụy trang, tránh sự phát hiện của máy bay do thám của địch.

Được đánh giá hiện đại nhất lúc bấy giờ, Hầm chỉ huy tác chiến có hệ thống lọc bụi, chống nhiễu, hệ thống điều hòa và có khả năng chống được bom nguyên tử. Với diện tích 65m2, căn hầm chia làm hai phòng: Phòng giao ban tác chiến và phòng trực ban tác chiến.

Sau hai năm phục hồi, tu bổ, Hầm chỉ huy tác chiến chính thức mở cửa đón khách tham quan, tìm hiểu về hoạt động chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng tham mưu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Hiện, Hầm chỉ huy tác chiến ra mắt công chúng trong diện mạo tương đối trọn vẹn với hệ thống trang thiết bị phục vụ chỉ huy tác chiến.

Tại phòng giao ban trưng bày bộ bàn ghế giao ban, các bản đồ chỉ huy tác chiến, ảnh tư liệu về hoạt động chỉ huy tác chiến, hoạt động chiến đấu của quân dân Hà Nội, các loại quân tư trang.

Phòng trực ban tác chiến trưng bày bàn chỉ huy, tiêu đồ, bảng trực chỉ huy, bản đồ chiến sự, bản đồ căn cứ không quân, hải quân và binh lực chủ yếu của Mỹ cùng đồng minh, bản đồ lực lượng phòng không – không quân bảo vệ miền Bắc; các ảnh tư liệu; hiện vật (radio, quạt, la bàn, thước chỉ huy...); đặc biệt là 4 cabin trực điện thoại phục vụ chỉ huy chiến đấu./.