Phan Thiết, Bình Thuận còn rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn để bạn khám phá
1. Trường Dục Thanh
Đây là ngôi trường do các sĩ phu yêu nước sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân tại Trung Kỳ. Ngôi trường Dục Thanh còn ghi dấu quãng thời gian chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân dạy học trước khi vào Sài Gòn. Ngày nay trong khu trường Dục Thanh còn giữ lại được gần như nguyên vẹn những kỷ vật cách đây gần ngót thế kỷ.
2. Dinh Vạn Thủy Tú
Trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết có một ngôi đền thờ thần Nam Hải – tức Cá Ông (cá voi). Bộ cốt cá Ông được lưu giữ tại dinh Vạn Thủy Tú dài 22m, nặng 65 tấn, được đánh giá là lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á. Hàng năm tại Dinh đều diễn ra các kỳ tế lễ được tổ chức trang trọng vào các ngày âm lịch: 20/2 (Tế Xuân); 20/4 (Cầu ngư); 20/6 (Chính mùa); 20/7 (Chèo dọc) và 23/8 (Mãn mùa). Trong quá trình diễn ra nghi lễ còn có các hoạt động như hát bội, diễn bã trạo, hội đua ghe…
3. Bãi Rạng
Bãi Rạng là bãi tắm đẹp nhất ở Phan Thiết. Đừng bỏ qua khi đi du lịch Phan Thiết nhé!
Bãi Rạng hay biển Rạng là bãi tắm đẹp nhất của TP. Phan Thiết. Bãi Rạng cách trung tâm thành phố khoảng 15 km về phía Bắc, nằm dưới những rặng dừa dày đặc trông giống khu rừng dừa rất đẹp. Mùa hè về, bãi Rạng chiều nào cũng tấp nập khách đến tắm biển và thưởng thức món cá chuồn xanh nướng ngọt lịm.
4. Hòn Rơm
Hòn Rơm với cảnh quan đẹp trầm lắng, bãi tắm dài hơn 17 km, vẫn còn rất nguyên sơ
Hòn Rơm là tên một núi nhỏ vẫn còn hoang sơ nằm tại ấp Long Sơn, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết. Tại đây, nước xanh trong vắt, sóng êm, không có đá ngầm. Vào mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều, bạn có thể ngồi ngắm bình minh hay hoàng hôn; vào buổi tối nhìn trăng lên hay tổ chức lửa trại. Ở Hòn Rơm, cụm bãi tắm có rất nhiều khu như: Hòn Rơm 1, Hòn Rơm 2, Thùy Trang…
5. Tháp Chàm Poshanư
Tháp Poshanư nằm trên đồi Bà Nài, phường Phú Hải, cách trung tâm Phan Thiết 7 km về phía Đông Bắc
Tháp Chàm Poshanư là một nhóm di tích còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa. Tháp có phong cách kiến trúc Hòa Lai – một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa. Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Đây là một trong những cụm tháp Chàm cổ nhất còn tương đối nguyên vẹn. Gần khu tháp Chàm là địa danh lầu Ông Hoàng nổi tiếng, gắn liền với nhà thơ Hàn Mặc Tử và mối tình với người đẹp Mộng Cầm.
6. Hòn Ghềnh
Từ hòn Ghềnh bạn nhìn thấy một bên là Mũi Né duỗi dài, một bên là Hòn Rơm, tạo thành vòng cung như đôi cánh tay ôm lấy biển.
Cách Mũi Né chưa đầy 1 km, Hòn Ghềnh hay Hòn Lao còn khá nguyên sơ. Để đến được Hòn Ghềnh, bạn có thể đi theo dịch vụ đưa đón khách từ khách sạn hoặc thuê ghe của ngư dân với giá khoảng 200.000VND/thuyền 10 người, bao gồm cả lượt đi và về. Sau chừng 10 phút lênh đênh trên biển bạn sẽ được đặt chân lên đảo. Ấn tượng đầu tiên là nước biển trong vắt, có thể nhìn thấy những tán san hô dưới đáy rất đẹp, những ghềnh đá lớn nhỏ chồng chất lên nhau. Ngắm cảnh Hòn Lao, đi vào buổi chiều là đẹp nhất, bởi bạn sẽ thấy được ráng chiều và hoàng hôn phủ dần trên biển. Sáng sớm là thời gian thích hợp cho những tay câu nghiệp dư.
7. Đồi Cát ở Mũi Né
Đồi cát còn có tên là đồi cát Bay, bởi hình dáng thay đổi liên tục theo từng ngày, từng giờ. Hầu hết các bạn từng đi du lịch Bình thuận đều có ảnh lưu niệm ở đây
Ở gần khu vực Hòn Rơm, một trong những thắng cảnh từng làm mê mẩn bước chân các thi nhân, họa sĩ và nhiếp ảnh gia… là đồi cát Mũi Né (thuộc khu phố 5, phường Mũi Né). Ngoài hình dáng đẹp, màu sắc của cát cũng là điểm thu hút khá nhiều du khách (có đến 18 màu sắc khác nhau). Nếu đi bằng xe máy, du khách gửi xe tại các quán nước đối diện khu vực đồi Cát (nhớ khóa xe và nhắc chủ quán lưu ý dùm). Lên đồi cát, bạn có thể thuê ván để chơi trượt cát, chỉ khoảng 5.000VND một tấm. Chơi xong có thể thưởng thức dừa ba nhát, bánh bột lọc Phan Thiết…
8. Đảo Hòn Bà
Đảo Hòn Bà có hình dáng như con rùa khổng lồ vươn mình trên biển
Hòn Bà là một hòn đảo nhỏ nằm cách bờ biển Lagi, huyện Hàm Tân gần 2 km về hướng Đông, cách Phan Thiết khoảng 70 km về hướng Đông Nam. Hòn Bà có hình dáng con Rùa khổng lồ đang ngẩng đầu vươn mình trên sóng biển. Trên đảo có đền thờ nữ Thần Thiên Ya Ana – vị thần thiêng liêng của Vương Quốc Chăm-pa cổ.
9. Hải đăng Kê Gà
Hải đăng Kê Gà nay đã hơn 100 tuổi
Từ TP. Phan Thiết, bạn có thể đi xe bus tuyến số 6 (thời gian hoạt động: 5h30 – 18h00), chạy 30 km thì đến hải đăng Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Nếu tự đi xe máy, bạn chạy theo quốc lộ 1 hướng đi Phan Thiết từ Sài Gòn, đến gần trạm thu phí Sông Phan (xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam) sẽ gặp một ngã ba nhỏ. Rẽ phải theo hướng này, đi thẳng sẽ tới khu vực suối Nhum, bạn quẹo phải đi về mũi Kê Gà. Ngọn hải đăng Kê Gà hùng vĩ đững giữa những bãi biển hoang sơ, nước trong vắt trên đảo Khe Gà. Để ra thăm hải đăng Kê Gà, các bạn có thể liên hệ với resort để thuê tàu hoặc thuê thuyền thúng hoặc tàu của dân địa phương. Thông thường thuyền thúng, tàu của người dân địa phương không trang bị áo phao. Bạn có thể mang theo hoặc liên hệ với resort để thuê.
10. Chùa núi Tà Cú
Núi Tà Cú có phong cảnh khá đẹp, cây cối xanh um, trọng tâm của khu du lịch là đỉnh núi Tà Cú.
Khu du lịch Núi Tà Cú nằm sát quốc lộ 1A, ở thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam), cách TP. Phan Thiết 30km về phía Nam. Nếu ưa mạo hiểm và có sức khỏe tốt, bạn có thể chinh phục đỉnh núi sau hơn 1000 bậc thang. Cách thứ 2 nhanh hơn, bạn có thể đi cáp treo để lên đỉnh núi sau 15 phút, giá 90.000VND/2 chiều. Trên đỉnh núi có 2 ngôi chùa nổi tiếng là Linh Sơn Trường Thọ và chùa Long Đoàn, nổi tiếng nhất là bức tượng Đức Thích Ca nằm, dài 49 m. Đây là bức tượng Phật nằm lớn nhất Đông Nam Á. Kế đó, một số du khách tiếp tục hành trình khám phá hang núi với huyền thoại về người khai sáng đã tịnh độ ở đây, hang Tổ.
11. Biển và bãi đá Cổ Thạch
Biển và bãi đá Cổ Thạch cách TP. Phan Thiết khoảng 100km
Trải dài trên một phần bãi biển của xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, là bãi đá 7 màu nằm trong khu du lịch Cổ Thạch. Đá có nhiều kích thước, hình dạng lớn nhỏ khác nhau. Bãi đá này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vieetbook) công nhận là “Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam”. Giữa trùng dương trùng điệp và vùng cát trắng mênh mông, sự xuất hiện của bãi đá như điểm hồng tâm đã kéo chân ngày càng nhiều du khách tìm đến thưởng lãm. Bãi đá Cổ Thạch là một địa điểm tham quan thú vị khi đi du lịch Phan Thiết hay du lịch Bình Thuận.
12. Chùa Hang
Có thể kết hợp tham quan Cổ Thạch Tự và bãi đá 7 màu khi đi du lịch Bình Thuận
Chùa Hang tên chữ là Cổ Thạch Tự, xây dựng từ nửa đầu thế kỷ XIX , toạ lạc trong hang động trên đồi núi Cổ Thạch ở độ cao trên 64 m, thuộc địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Chùa được xây dựng trong hang đá lớn do thiền sư Bảo Tạng lập vào khoảng giữa thế kỷ 19. Du khách có thể kết hợp tham quan ngôi chùa cổ kính này cùng với bãi đá 7 màu ở trên.
13. Gành Son
Ở Gành Son có những dãy núi hang động mang nhiều hình thù lạ mắt
Đến Cổ Thạch, rẽ phải qua khỏi làng cá Bình Thạnh men theo biển khoảng 5km, bạn hỏi thăm đường vào Ghềnh Son, thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong. Vào buổi sáng tinh sương hay những buổi chiều êm ả, biển lặng, từ trên gành, có thể nhìn thấy toàn cảnh sinh hoạt ấm cúng, nhộn nhịp của làng chài. Màu đỏ của đá, màu xanh của biển như hoà lẫn vào nhau tạo nên một sắc thái hài hoà vừa gần, vừa xa, vừa hư lại vừa thực… Gành Son quả là một tặng vật của thiên tạo chưa được nhiều người biết đến.
14. Cù Lao Câu
Du lịch Bình Thuận hấp dẫn với du lịch sinh thái biển ở Cù Lao Câu
Cù Lao Câu thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, hiện lên như một chiến hạm lớn, xung quanh bao bọc bởi hàng vạn khối đá với màu sắc và hình thù khác nhau. Đây là một đảo vắng, nằm cách bờ biển khoảng 9km, đi tàu từ đất liền ra hết khoảng 1 giờ 30 phút. Trên đảo có hàng ngàn khối đá với hình thù rất độc đáo, xen kẽ là những thảm cỏ xanh mượt. Nơi đây được qui hoạch làm khu bảo tồn sinh vật biển và là điểm du lịch sinh thái biển rất hấp dẫn.
15. Đảo Phú Qúy
Biển đảo Phú Quý có nhiều hòn đảo nhỏ xung quanh khi đi du lịch Bình Thuận
Cách bờ biển Phan Thiết 100 km, trên đảo Phú Quý có những ngôi chùa khá lớn như chùa Linh Quang, chùa Cao Cát… được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Đảo có một thảm thực vật rạn san hô rất đa dạng, phong phú cùng nhiều bãi tắm như: vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ Gành Hang, bãi dọc cái doi Mô Thầy, bãi vịnh Triều Dương. Nếu có dịp đi ra mấy hòn đảo nhỏ xung quanh đảo Phú Quý như Hòn Tranh, Hòn Ðen, Hòn Trứng, chắc hẳn bạn sẽ thấy biển Phan Thiết thực hấp dẫn biết bao.
Thông tin khách sạn Phan Thiết – Đi lại
Đến TP. Phan Thiết rồi, sau khi làm các thủ tục nhận phòng khách sạn (tham khảo giá phòng: khách sạn Phan Thiết), bạn có thể bắt đầu hành trình khám phá bằng các phương tiện sau:
Thuê xe máy: Hỏi tại khách sạn bạn nghỉ, giá thuê khoảng 200.000VND/ngày
Đi xe buýt (5h00 đến 20h00 hàng ngày), có 3 tuyến xe đi đến các điểm du lịch như sau:
Tiến Lợi – Mũi Né – Hòn Rơm (Tuyến số 1)
Phan Thiết – Kê Gà – Tân Thành (Tuyến số 6)
Bến xe Nam Phan Thiết – Trần Quý Cáp – đường Trường Chinh (QL1A) – Bệnh viện tỉnh – đường Nguyễn Hội – đường Từ Văn Tư – đường Trần Hưng Đạo – đường Thủ Khoa Huân – Hàm Tiến – Mũi Né – du lịch Gành (Tuyến số 9)
Đi taxi: Taxi Bình Thuận Tourist, điện thoại: 062.3814.814; taxi Mai Linh, địa chỉ: 344 – 350 đường 19/04, Phan Thiết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét