Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Khám phá "con đường di sản" miền Trung

“Con đường di sản miền Trung” – con đường kết nối các di sản thế giới tại Trung bộ là nơi hội tụ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, lâu đời của cả dân tộc.

Chinh phục “Con đường di sản miền Trung” để khám phá những nét văn hóa truyền thống của đất và người miền Trung, cùng với nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và một hệ sinh thái phong phú, đa dạng qua những di sản thế giới được Unesesco công nhận.

Đến với “Con đường di sản miền Trung” du khách sẽ được trải nghiệm sắc màu văn hóa rực rỡ trên mỗi chặng đường dừng chân.

VƯỜN QUỐC GIA PHONG NHA – KẺ BÀNG

Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trên địa bàn liên huyện Bố Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, với diện tích khoảng 85.754 ha.
Ngoài các giá trị về lịch sử địa chất, địa hình, địa mạo, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng còn là nơi chứa đựng nhiều kiệt tác thiên nhiên kỳ bí, hùng vĩ. Những kiến tạo địa chất đá vôi diễn ra mấy trăm năm qua đã để lại cho Phong Nha – Kẻ Bàng vô số những hang động tự nhiên, tựa như những tòa lâu đài lộng lẫy ẩn chứa bao điều bí ẩn. Trong đó có những hang động đạt kỉ lục thế giới về chiều dài, chiều rộng, chiều cao của hang và những hồ ngầm đẹp nhất,…


Ngoài ra, Phong Nha –Kẻ Bàng còn là rừng nguyên sinh trên núi đá vôi điển hình với hệ động thực vật phong phú, quý hiếm, và có không ít loài nằm trong Sách đỏ Thế giới và Sách đỏ Việt Nam.

QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ

Nét đẹp trữ tình, thơ mộng của xứ Huế như đưa du khách trở về với những công trình kiến trúc mang đậm bản sắc phong kiến một thời tại Việt Nam.

Nằm bên bờ Bắc sông Hương, ngay giữa lòng thành phố Huế, Quần thể di tích Cố đô Huế là những di tích lịch sử, văn hóa do nhà Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX trên địa bàn kinh đô Huế xưa.

Quần thể di tích là hệ thống kiến trúc biểu thị quyền uy của chế độ phong kiến nhà Nguyễn sau bao thăng trầm, gồm: Kinh đô Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, được sắp xếp tổng hòa từ mặt Nam ra mặt Bắc, theo kiến trúc giao thoa giữa Đông và Tây.


Đặc biệt, trong Kinh thành Huế, kiến trúc lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn được xem là những thành tựu độc đáo thể hiện sự uy nghiêm của chế độ phong kiến một thời.

Ngoài ra, du khách cũng có thể ghé qua một vài địa danh như sông Hương, núi Ngự, Lăng Cô, Chùa Thiên Mụ,…nơi tổ điểm cho Quần thể di tích cố đô Huế.

NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ

Nhã Nhạc cung đình Huế được Unesco công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003. Đây là thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến, được biểu diễn vào các dịp lễ hội trong năm dưới triều đại nhà Nguyễn. Được xem là quốc nhạc nên Nhã nhạc cung đình Huế là biểu tượng của sự thịnh vượng và trường tồn của vương triều.


Nhã Nhạc cung đình Huế bao gồm các thể loại: nhạc lễ nghi thờ cúng và nhạc lễ nghi triều chính, múa cung đình, nhạc thính phòng và kịch hát.

Với những ảnh hưởng Phật giáo và tiếp biến văn hóa Hoa, Chăm, Nhã nhạc thực sự trở thành di sản đặc trưng của dân tộc. Trong đó có sự tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật, thể loại, chủng loại nhạc khí và âm sắc, cơ cấu tổ chức dàn nhạc,…giúp người thưởng thức không cảm thấy nhàm chán.

THÁNH ĐỊA MỸ SƠN

Được mệnh danh là Angkor của Việt Nam, Thánh địa Mỹ Sơn là một tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa trong một thung lũng đường kính khoảng 2km, bao quanh bởi đồi núi.

Khu đền tháp Mỹ Sơn được xem là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở Đông Nam Á và là di sản duy nhất về thể loại này tại Việt Nam.


Ngoài chức năng là nơi tổ chức các nghi thức cúng tế của vương triều, Mỹ Sơn còn là nơi phản ánh văn hóa, tín ngưỡng của các triều đại Chăm Pa. Đồng thời là nơi chôn cất các nhà vua và giới hoàng thân Chăm Pa.

Những ngọn tháp và khu lăng mộ bên trong thánh địa được xây dựng hết sức công phu và bí ẩn mà đến nay nhiều người vẫn chưa lý giải được. Những dòng chữ điêu khắc trên gần 70 công trình bằng gạch đá tại Thánh địa Mỹ Sơn như minh chứng cho thời kỳ huy hoàng của nhà nước Chăm Pa trong quá khứ với những giá trị văn hóa độc đáo.

PHỐ CỔ HỘI AN

Nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam, phố cổ Hội An được xem là đô thị cổ của người Việt xa xưa.

Đô thị cổ Hội An là sự bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo về một cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á. Đường phố ở khu phố cổ thường hẹp và ngắn, uốn lượn quanh co như bàn cờ. Những ngôi nhà lợp ngói âm dương, bức tường bám rêu phong, cũ kỹ và những hoa văn điêu khắc do các nghệ nhân người Việt, người Hoa, người Nhật,… thực hiện là chứng tích về các công trình kiến trúc cổ xưa được gìn giữ cho đến ngày nay.

Cùng với đó là những phong tục, nghi lễ, tín ngưỡng tôn giáo chịu sự giao thoa của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới đã hình thành nên những bản sắc văn hóa rất riêng của người Hội An.


Bên cạnh sự cổ kính từ những công trình kiến trúc cổ, Hội An còn là vùng đất của sự yên bình, thanh thản. Trong khung cảnh bình dị, cùng với thiên nhiên trong lành, con người nơi đây cũng thật hiền hòa, gợi cho du khách cảm giác thân thuộc, đầm ấm.

NÉT CHẤM PHÁ TRÊN “CON ĐƯỜNG DI SẢN MIỀN TRUNG”

Trên chặng đường chinh phục những di sản thế giới, du khách còn bắt gặp những điểm đến hấp dẫn như: Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận – những địa danh lý tưởng cho hoạt động tắm biển, ngắm cảnh tuyệt đẹp.

Mỗi điểm dừng chân trên con đường di sản đều là những giá trị văn hóa, ẩm thực độc đáo của mỗi vùng miền. Tất cả đều là nét đặc trưng, tinh tế thể hiện sự sáng tạo không ngừng của con người nơi đây.

Mặt khác, một số làng nghề thủ công truyền thống tồn tại bao năm qua cũng nói lên được phần nào sự tài hoa, khéo léo của con người, từ đó hình thành nên những thương hiệu rất riêng cho từng địa phương. Điển hình, đến Huế có nón bài thơ, Hội An có đúc đồng hay đèn lồng…

Mọi con đường đều dẫn đến những nguồn cội sâu xa, phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa, sự sáng tạo và tình yêu quê hương đất nước của con người trên mảnh đất ấy. Bạn hãy thử một lần đặt chân trên con đường di sản để có những trải nghiệm lý thú và những hiểu biết mới mẻ về một tuyến đường du lịch độc đáo.

Khám phá các địa danh và nét văn hóa độc đáo của các di sản miền Trung qua chương trình du lịch “Con đường di sản miền Trung” đang triển khai tại Đất Việt Tour. Liên hệ: (08) 3989 7562 – 3894 1794 để biết thêm thông tin chi tiết.

Hồng Hạnh – Đất Việt Tour

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét