Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Phượt mùa hè, chú ý với giông sét

Nếu khoảng thời gian từ khi thấy chớp đến nghe tiếng sấm nhỏ hơn 30 giây, thì ta đã nằm trong tầm ngắm của tia sét rồi và phải cẩn thận.

Trong những buổi chiều mùa hè, các cơn giông thường ập đến bất ngờ và có thể gây ra những hiểm họa bất ngờ cho dân phượt . Để chuyến đi an toàn hơn, bên cạnh những chuẩn bị thông thường, bạn cần nắm vững các lưu ý sau.

Hãy bĩnh tĩnh trước giông sét

Khi đang đi trên đường, cần phải để ý đến các dấu hiệu của giông như mây đen, khí lạnh, gió.

Thấy tiếng sấm đầu tiên bất kể là gì cũng cần phải thấy nguy hiểm đã đến. Trong nhiều trường hợp, sét có thể đánh cách xa nơi có mưa tới 15 ~ 20km.


Lúc cơn giông ập xuống, khi đó, ta sẽ thực hiện theo nguyên tắc nhìn và nghe: Lúc sét xảy ra, thường thấy tia chớp lóe lên ở điểm nào đó trên bầu trời, sau đó là tiếng sấm kèm theo. Nếu khoảng thời gian giữa lúc có chớp đến lúc nghe thấy sấm càng ngắn thì sét sẽ xuất hiện ở vị trí càng gần ta, tức là mức độ nguy hiểm tăng. Khi đó cần nhanh chóng tìm cách tránh sét.

Có thể chia khoảng thời gian ước tính được cho 3 sẽ tính được khoảng cách đến tia sét. Ví dụ nếu đếm được 3 giây thì sét cách vị trí đứng là 3/3= 1km. Nếu như khoảng thời gian đếm được nhỏ hơn 30 giây thì bạn đã nằm trong tầm ngắm của tia sét rồi và phải cẩn thận.

Tuyệt đối không dùng cây cối cao làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt - thậm chí chân máy ảnh bạn đeo trên lưng cũng có thể tạo nguy hiểm vì nó trở thành cột thu lôi.

Đặc biệt, tránh luôn cả việc gọi điện thoại giữa lúc giông bão kèm sấm sét

Cố gắng tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp nhất để trú. Đảm bảo thân người ở vị trí thấp nhất - tay ôm cổ, phần tiếp xúc của người với mặt đất càng ít càng tốt. Nếu có thể thì nên nhón chân nhưng không được nằm xuống đất.

Nếu như bạn cảm thấy tóc bị dựng lên, giống cảm giác có điện khi sờ tay trước mặt tivi thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Khi đó cần lập tức cúi người xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất.

Trong trường hợp khi đang chạy xe gắn máy trên đèo, cần nhanh chóng tìm và dừng xe phía bờ taluy dương có khảm đá hay bê tông: đỉnh taluy và mép ngoài mặt đường sẽ dễ hút sét hơn là góc âm taluy nơi bạn trú tạm. Không trú trong các khe thoát nước vì có thể gặp lũ cuốn dù đây là nơi tránh sét tốt.

Đặc biệt, không đứng thành nhóm nhiều người gần nhau rất dễ thu hút sét. Áo mưa hay nón bảo hiểm nhựa là vật cách điện khá tốt nếu bạn trùm và mang trên mình.

Nếu bạn đang ở trong xe hơi, xe đò, tàu hỏa hay tàu cao tốc: khi gặp sấm sét cần tránh tuyệt đối không nhoài người ra cửa sổ, không chạm đến vỏ bọc kim loại của vật thể mà bạn đang ở trong. Trong khung sắt sườn, bạn sẽ được an toàn tuyệt đối.

Chuẩn bị hành trang trước chuyến đi



Tại Việt Nam, thời kỳ mưa giông kèm sấm sét hoạt động mạnh nhất từ tháng 4 đến tháng 10. Đa phần sét xuất hiện chủ yếu vào buổi chiều từ 14h đến 20h.Thường thì cơn giông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km/giờ hay hơn nữa.

Bạn cần mang theo nhiều túi ni lông các cỡ. Túi lớn trùm ba lô; bao cỡ vừa để bọc chân cho khỏi ướt và đựng áo, quần (áo quần nên cuộn lại từng cái để khi lấy ra không phải xáo tung lên, làm nhăn đồ khác); bao nhỏ đựng những thứ linh tinh: dầu gội, bàn chải, kem đánh răng… Đối với máy ảnh, nên mua bao ni lông có khóa kéo và bịt hút ẩm để đựng.

Dán miếng phản quang lên xe, mũ bảo hiểm. Mang theo máy sấy nhỏ, áo mưa (không mang loại cánh dơi).

Trùm sẵn ba lô vào bao ni lông, cột chặt sau xe (chỉ để một số đồ cần thiết, gọn nhẹ vào một túi xách nhỏ treo phía trước.

Khi qua suối nên đi sau dân địa phương vì họ biết cách đi an toàn nhất. Nếu không có người, nên đi dò đường trước (kiếm một khúc cây dài để dò độ nông, sâu).

Khi trời mưa, nên đi chậm, gần tim đường (nếu có thể). Thấy vũng nước nên tránh vì có thể có ổ gà, xe dễ bị hư lốp hoặc bị đập gầm. Nếu đi ở miền núi, cần đề phòng sạt đất...

Nếu áo quần bị ướt, sau khi vắt kỹ, bọc đồ ướt vào cái khăn lớn rồi tiếp tục vắt. Sau đó đem phơi dưới quạt.

Nếu giày bị ướt, lấy giấy báo, giấy vệ sinh nhét vào thật nhiều (giấy sẽ hút bớt nước và ẩm), rồi sau đó đem phơi.

Minh Phan (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét