Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Ngắm những 'tảng băng trôi' kỳ ảo trên hồ Loktak

Loktak là hồ nước ngọt lớn nhất vùng đông bắc Ấn Độ, còn được gọi với cái tên là Floating vì có số lượng lớn những thảm thực vật tạo thành các đảo tròn liền kề nhau, nổi trên bề mặt hồ. Thoạt nhìn từ xa, trông chúng như những tảng băng trôi.

Phumdi là một khối lượng không đồng nhất bởi thảm thực vật, đất cát và các chất hữu cơ tại mỗi địa tầng khác nhau, đã qua một quá trình phân hủy lâu dài trở nên cô đặc lại thành dạng rắn. Kích thước và hình dạng của các phumdi thay đổi theo mùa và thậm chí là di chuyển trên mặt hồ. Hồ Loktak đã tồn tại qua nhiều thế kỉ nhưng mãi đến năm 1886 mới chính thức được ghi nhận là vùng đất ngập nước với vô số những hòn đảo nổi.

Phumdi đóng một vai trò hết sức quan trọng trong khu vực hồ. Số lượng lớn nhất của những hòn đảo nổi nằm ở phía đông nam với diện tích 40 km2. Khối lượng lớn này được cấu thành công viên nổi lớn và duy nhất trên thế giới, được đặt tên là vườn quốc gia Keibul Lamjao và đây cũng là quê hương của loài hươu Sangai.

Loài này đang có nguy cơ tuyệt chủng vì nguồn thức ăn dần mất đi, do phumdi đang chết dần bởi dự án thủy điện trên mặt hồ. Công trình này đã khiến mực nước trong hồ tăng cao làm cho các phumdi không thể chìm và tái tạo trong mùa đông.

Không phủ nhận một điều rằng hồ cổ này đóng một vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế Manipur: cung cấp nguồn nước cho thủy điện, thủy lợi và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong khu vực và những vùng lân cận. Hồ cũng là một nguồn sinh kế cho ngư dân địa phương sống ở các khu vực xung quanh và trên những hòn đảo nổi, chính họ được gọi là "phumshongs". 


Người dân địa phương sử dụng những hòn đảo nổi để xây dựng túp lều, đánh bắt cá cũng như là sử dụng cho những mục đích kinh tế khác. Dân làng làm ra những cái thùng tròn trông như những chiếc rọ để nuôi cá và thả vào trong hồ. Đây được xem là nghề chính của hơn 10.000 ngư dân trong vùng.

Do tác động từ quá trình sinh sống của con người cũng như từ sự xuất hiện hay biến mất của các đảo nổi, mặt hồ chia thành khu bắc, trung tâm và nam. Khu vực phía bắc dần tách biệt ra khỏi khu vực trung tâm bằng các đảo nổi có bề dày từ 0,4 đến 4,5 m, trải dài về phía tây bắc đến đông nam.

Từ tháng giêng đến tháng 3, nông dân thường đốt cỏ trên các phumdi để nuôi cá và trồng lúa. Khu trung tâm là nguồn nước chính của hồ, ngày trước tách biệt với các phumdi xung quanh nhưng ngày nay được bao quanh bởi vô số đảo nổi nhân tạo còn được là “athaphums”. Số lượng đảo nổi nhân tạo này tăng lên nhanh chóng làm nghẹt thở toàn bộ khu vực hồ.

Hồ Loktak có sự hiện diện đa dạng với tầng sinh học phong phú, hơn 233 loài thực vật thủy sinh, hơn 100 loài chim sống trong hồ và 425 loài động vật bao gồm các động vật quý hiếm như trăn Ấn Độ và hươu.

Hồ cách thành phố Imphal 39km. Mạng lưới giao thông chính cho khu vực này được kết nối bằng đường bộ và đường hàng không. Đây cũng là một địa điểm lý tưởng cho tour du lịch sinh thái. Trụ sở chính của công ty du lịch Sendra nằm trên một phumdi lớn nhất trong hồ Loktak.

Vẻ đẹp của hồ Koktak:
Ảnh những phumdi chi chít trên hồ Loktak được chụp từ vệ tinh.

Có khá nhiều hòn đảo nổi ở nhiều nơi trên thế giới và hầu hết là do con người tạo ra từ lau sậy nổi tiếng như của người Uros trên hồ Titicaca, nhưng những hòn đảo nổi ở Manipur (Ấn Độ) là tự nhiên và lớn nhất cả về quy mô và dân số.

Ngay từ thế kỷ 19 người dân đã xây dựng nên những túp liều trên nhỏ hình thành khu làng chài với tên gọi là “khangpoks” mà ngày nay là nơi sinh sống của hơn 4.000 người.



Công ty du lịch Sendra nằm trên một phumdi lớn nhất trong hồ Loktak.



Loài hươu Sangai bản địa nằm trong danh sách Đỏ, những loài nguy cấp hiện nay.


TUỆ TÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét