Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

9 ngọn hải đăng yêu thích của dân phượt

Các ngọn hải đăng này đều nằm ở vị trí heo hút, xa xôi đến nỗi không phải ai cũng có thể đến được.

Hải đăng Ba Lạt


Hải đăng Bà Lạt cứng cáp và khoẻ khoắn bởi lớp áo phủ bên ngoài mầu nòng súng.

Hải đăng Ba Lạt nằm trên cồn Vành thuộc xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, được xây dựng năm 1962.

Đến thăm Hải Đăng, bạn không chỉ có cơ hội trải rộng tầm mắt của mình ngắm nhìn toàn cảnh cửa sông Ba Lạt, mà còn khám phá hành trình của các con sông ra biển và những sinh cảnh độc đáo ở cửa sông.

Hải đăng Cô Tô



Hải đăng Cô Tô tọa lạc trên quần đảo cùng tên, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Vào thời điểm khánh thành và những năm sau đó, những người “thắp đèn” phải hàng đêm chèo thuyền nan đi đốt đèn biển bằng dầu hỏa. Hiện nay, hải đăng đã được đầu tư chiếu sáng bằng pin năng lượng mặt trời.

Đến hải đăng Cô Tô, ngoài việc thu vào tầm mắt quang cảnh tuyệt đẹp của một vùng đảo, biển còn hoang sơ, thanh bình, bạn sẽ có dịp khám phá phương pháp hứng nước mưa – tận dụng lan can đèn biển “không nơi nào có” của các chiến sĩ tại đây. Đó cũng là lý do khi khám phá 72 bậc thang của ngọn tháp này, bạn phải đi chân trần để không làm bẩn nước mưa.

Hải đăng Cửa Sót



Hải đăng Cửa Sót tọa lạc ở mũi Sót thuộc xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng vào năm 1969, cao khoảng 91m.

Tọa lạc trên một ngọn đồi cao, hành trình chinh phục ngọn đèn biển này khá thú vị với hàng trăm bậc cầu thang uốn lượn, ẩn hiện trong màu xanh của cây cối.

Hải đăng Cửa Gianh



Hải đăng Cửa Gianh tọa lạc ở bờ Nam cửa sông Gianh thuộc xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và được đưa vào hoạt động năm 1970.

Nằm ngay cửa sông, hải đăng Cửa Gianh được đánh giá là không khó cho hành trình chinh phục hay vị trí đẹp để ngắm quang cảnh từ trên cao như các ngọn hải đăng khác. Điểm thu hút của ngọn hải đăng này là vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình của Cảnh Gianh, những đặc điểm địa vật lý và địa chất dị thường của Rào Nậy - Hoành Sơn (tên của thượng lưu sông Gianh) hay một nhánh khác của sông là Rào Son có động Phong Nha.

Hải đăng Mũi Dinh


Hải đăng Mũi Dinh có từ năm 1904, khi toàn quyền Đông Dương Pôn Bô Paul Beau ký lệnh xây đèn biển Mũi Dinh phục vụ những chuyến hải trình ở khu vực. Kiến trúc sư Chavanat, người thiết kế đèn biển Mũi Dinh đã chọn vị trí đắc địa ở độ cao 178m để dựng đèn.

Muốn lên đến Mũi Dinh, bạn phải đi bộ, leo núi, đường dốc ngoằn ngoèo cả tiếng đồng hồ. Bù lại, cái mà Mũi Dinh "chiêu đãi" bạn gió, biển bốn bề hoang sơ, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm xa xa...

Hải đăng Lý Sơn


Không chỉ nổi tiếng với danh xưng "Vương quốc tỏi" cùng món đặc sản gỏi tỏi, đảo Lý Sơn còn được các phượt thủ biết đến và yêu thích với ngọn hải đăng nằm ở phía Đông đảo Lý Sơn thuộc xã Lý Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được đưa vào hoạt động năm 1898.

Điều tuyệt diệu nhất là khi đứng ở trên đỉnh cao nhất của ngọn hải đăng chúng ta có thể nhìn toàn cảnh hòn đảo có bốn bề là biển cả: những con sóng miệt mài xô bờ đá, những ruộng hành, ruộng tỏi tuyệt đẹp và những con thuyền nhỏ bé xinh xinh. Nhưng có lẽ cảm giác khó quên nhất là cảnh hoàng hôn đỏ rực bao trùm biển khơi.

Hải đăng Vĩnh Thực



Hải đăng Vĩnh Thực tọa lạc tại xã đảo Vĩnh Thực, Vĩnh Thực, huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh, được xây dựng từ năm 1986. Đây là ngọn đèn hải đăng quốc tế do Việt Nam xây dựng và quản lý ở vị trí đầu tiên biên giới biển hình chữ S.

Không chỉ mê hoặc du khách ở hành trình lý thú của chuyến tàu vượt biển, vẻ đẹp bao la của biển khi đứng từ hải đăng phóng tầm mắt ra xa, Vĩnh Thực còn thu hút du khách với các bãi biển đẹp không kém các bãi tắm đảo Cô Tô, đảo Quan Lạn. Đặc biệt, cát ở đây trắng phau, người khô vùi vào cát, đứng dậy trên người không bám một hạt nào.

Hải đăng mũi Điện



Mũi Đại Lãnh còn có tên gọi khác là mũi Điện, mũi Nạy, mũi Diều, hay mũi Kê Gà, thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hoà Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Hải đăng mũi Đại Lãnh được người Pháp xây năm 1890 gồm khối nhà cao 5m. Tháp đèn hải đăng mũi Đại Lãnh là một khối hình trụ thon đều, màu xám, cao 26,5m. Bên trong hải đăng là cầu thang gỗ 110 bậc bóng loáng.

Đến hải đăng Mũi Điện, ngoài thu vào tầm mắt cái ngút ngàn, bao la của một vùng biển gắn nhiều với nhiều chiến tích cách mạng, bạn còn được dầm mình trong bãi Môn, bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp dưới chân núi, nghe Vũng Rô sóng vỗ hay thưởng thức hải sản tươi ngon giá rẻ.

Hải đăng Hòn Khoai



Hòn Khoai còn có tên là hòn Giáng Hương, hòn Độc Lập. Thời Pháp thuộc gọi là đảo Poulo Obi, tuy nhiên, người địa phương vẫn quen gọi là Hòn Khoai vì hình dạng của nó giống như củ khoai khổng lồ.

Với địa hình đồi, núi, rừng nguyên sinh và bãi biển tuyệt đẹp, Hòn Khoai là một trong những hòn đảo đẹp nhất miền cực nam của nước ta và là một địa danh du lịch hấp dẫn.

Bên cạnh các đặc điểm trên, hòn đảo này cũng thu hút phượt thủ với hành trình chinh phục ngọn hải đăng được Pháp xây dựng vào thế kỷ 19 trên đỉnh cao nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét