Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Tại sao biên giới giữa các quốc gia ở Châu Phi thẳng đến vậy?

Biên giới giữa các quốc gia láng giềng được hình thành chủ yếu theo hai cách: một là theo tập quán truyền thống, hai là theo các Hiệp ước, Hiệp định mà các quốc gia ký kết với nhau. Thông thường là kết hợp cả hai cách, trên cơ sở tập quán truyền thống, thông qua hiệp thương hữu nghị giữa các bên, trên cơ sở nguyên tắc hiểu biết, nhượng bộ lẫn nhau dần đi đến thống nhất. Việc hoạch định cụ thể đường biên giới quốc gia chia thành hai loại: một là biên giới tự nhiên, tức là lấy các chủ thể địa lý tự nhiên làm tiêu chí phân giới, như: sống núi, sông, hồ …; hai là biên giới nhân tạo, bao gồm biên giới thực địa và biên giới văn hóa. Biên giới giữa các nước ở Châu Phi thuần túy là biên giới do con người tạo ra, là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân phân chia thuộc địa ở châu Phi. Trước khi chủ nghĩa thực dân xâm lược và phân chia ranh giới, châu Phi không có biên giới quốc gia, điều này là do châu Phi đất rộng người thưa, chủ yếu là cư dân du mục, các bộ lạc thường xuyên di cư, biên giới quốc gia đối với họ không quan trọng; hơn nữa loại hình địa mạo tại nhiều khu vực ở châu Phi tương đối đơn giản, chủ yếu là các sa mạc và thảo nguyên, ví dụ như sa mạc Sahara lớn nhất thế giới, chiếm khoảng ¼ diện tích châu Phi, mặt đất thiếu các yếu tố tự nhiên như sống núi, sông hồ để đánh dấu biên giới, số liệu đo đạc địa hình lại không đầy đủ nên việc hoạch định biên giới không hề đơn giản.

 

Sau khi chủ nghĩa thực dân xâm lược, châu Phi bị chia cắt thành 50 quốc gia. Trên bàn đàm phán tại Hội nghị Berlin năm 1885 các nước lớn như Anh, Pháp, Đức đã dùng bút mực đỏ để phân chia châu Phi theo kinh vĩ tuyến (Ví dụ như: một phần biên giới giữa Ai Cập và Xu Đăng là men theo vĩ tuyến 22oB, biên giới giữa Namibia và Bostwana dài 700 km là theo vĩ tuyến 22oN); có khi dùng đường thẳng hoặc đường cong để phân chia biên giới; cũng có khi biên giới được đánh dấu tự nhiên dựa vào dòng chảy của con sông hay các dãy núi. Theo thống kê: 44% biên giới là được phân chia theo kinh tuyến hoặc vĩ tuyến; 30% là phân theo đường thẳng hoặc đường cong, chỉ có 26% là theo tự nhiên (theo dòng sông, dãy núi). Đây chính là các nguyên nhân tại sao đường biên giới quốc gia ở châu Phi lại thẳng vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét