Theo tờ Sunday Telegraph của Anh, hiện chỉ còn 22 con tê giác trắng miền bắc (Northern White) - một loài động vật hiếm tại Vườn quốc gia Garamba của Cộng hoà Dân chủ Congo. Nếu không hành động khẩn cấp, chúng sẽ tuyệt chủng trong vài tháng tới.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do các phiến quân ở Sudan, Uganda, Rwanda và Congo săn bắn tê giác trắng để lấy sừng. Tiền bán sừng được sử dụng để mua vũ khí chống chính phủ và các nhóm vũ trang đối địch. Nhân viên bảo vệ vườn quốc gia không thể cứu loài động vật này trước những phiến quân có vũ trang.
Sừng tê giác có giá trị cao, được sử dụng làm tay cầm dao găm tại một số quốc gia Trung Đông. Nhu cầu sừng tê giác rất lớn tại Viễn Đông nơi chúng được tán và sử dụng trong một số bài thuốc truyền thống. Châu Phi có 2 loài tê giác: tê giác trắng và tê giác đen. Tê giác đen sinh sống ở miền Nam của lục địa này, tại Kenya cũng như Cameroon với số lượng khoảng 3.100 con.
Tê giác trắng miền bắc là một tiểu loài của tê giác trắng, đã từng sinh sống khắp Trung Phi. Cách đây 50 năm, số lượng ước tính của chúng là 6.000 cá thể. Tê giác trắng có hai tiểu loài là tê giác trắng miền Bắc và tê giác trắng miền Nam. Hiện có khoảng 11.600 con tê giác trắng trên toàn thế giới, chủ yếu tập trung tại miền Nam châu Phi.
Có 3 loài tê giác châu Á: tê giác một sừng lớn, tê giác Java và tê giác Sumatra. Tất cả chúng đều đối mặt với những mối đe doạ tương tự trong thiên nhiên và hiện chỉ còn chưa tới 3.000 con. Tê giác là động vật căn cỏ và lá cây. Chúng có thị lực kém song thính giác và khứu giác rất tốt. Nếu bị tấn công, chúng thường dựa vào khứu giác nhiều hơn thị giác. Tê giác châu Phi tấn công bằng sừng trong khi tê giác châu Á dùng miệng để cắn. Tê giác thường tránh người song khi bị khiêu khích, nó sẽ tấn công với tốc độ chạy có thể lên tới 45 km/h.
Phần lớn tê giác sống đơn độc, chỉ có tê giác trắng châu Phi thỉnh thoảng sống theo những bầy nhỏ. Lãnh thổ của chúng được đánh dấu bằng nước tiểu và các đống phân. Tê giác cái có thể sinh con khi khoảng 3 tuổi. Chúng thường sinh một con, hiếm lắm mới sinh 2 con. Tê giác con có thể đứng vững 1 giờ sau khi chào đời. Nó được mẹ nuôi trong khoảng 1 năm. Con đực trưởng thành khi được khoảng 7 tuổi. Do kích cỡ khổng lồ, tê giác chỉ có kẻ thù duy nhất là con người.
(Minh Sơn - Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét