Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Bồng bềnh trong Thánh địa Mỹ Sơn

Tôi đến Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) một chiều mưa lất phất... Đường lên tháp quanh co, rợp mát, lọt thỏm giữa hai bên đồi núi nhấp nhô. Càng đến gần quần thể tháp cổ, bầu trời như thấp xuống, làn mây tím nhẹ bay ngang đầu... có cảm giác trời–đất–cỏ cây và lòng người đang giao hòa giữa mênh mông mưa bụi...

Apsara-em ở đâu?

Quần thể tháp trầm mặc, uy nghi, kiêu hãnh đã tồn tại hơn 16 thế kỷ qua là niềm tự hào của người Chămpa nói riêng và người Việt nói chung. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo thể hiện sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Chăm cuối thế kỷ thứ IV đầu thế kỷ thứ V.

Một câu chuyện có thực mà cứ ngỡ như một huyền thoại về vị kiến trúc sư đầu tiên đã dành mọi tâm sức, trí tuệ và tình yêu để tôn tạo và phục dựng quần thể tháp Chăm– Mỹ Sơn ở Quảng Nam. Ông tên là Kazik người Balan đã gắn bó suốt 16 năm cuối đời tại đây. Mọi viên gạch, mọi đường nét và cây cỏ nơi đây đều trở thành một phần cuộc sống của ông. Điều kỳ diệu nhất mà chúng tôi được nghe kể về ông là trong suốt thời gian làm việc ở đây, ông đặc biệt gắn bó với một cô gái câm người dân tộc Chăm. Hằng ngày, cả hai cùng không nói nhưng rất hiểu và thân thiết với nhau. Sau này khi lớn lên cô cùng học tiếng Kinh với Kazik và hai người bắt đầu trao đổi được với nhau bằng tiếng Việt. Cùng thời gian đó, cô tích cực giúp đỡ đoàn khảo sát về những công việc sinh hoạt hằng ngày. Cô gái Chăm sống trong nghèo đói và câm lặng nhưng vô cùng đam mê điệu múa Apsara, như truyền thuyết về nàng Apsara được ngọc hoàng cử xuống trần gian dạy mọi người điệu múa Chăm quyến rũ đến mê hồn.

Thời gian dần trôi, cô bé câm ngày nào đã thành thiếu nữ say mê múa dưới ánh mặt trời bên những đền tháp cổ kính. Đó là những giây phút diệu kỳ nhất mà Kazic có được ở đây. Vì muốn lưu giữ lại giây phút quý giá ấy, Kazik đã âm thầm vẽ bức tranh để lưu giữ giây phút ấy mãi mãi. Tuổi đôi tám đến như một phép màu, cô gái hồn nhiên ngày nào giờ trở nên e thẹn và hay làm duyên. Một lần vô tình nhìn thấy chính mình trong bức tranh của Kazik cất trong lòng tháp cổ với hình hài đen đúa, bộ áo quần tả tơi, ngực trần nhu nhú, nàng đã âm thầm bỏ đi... Từ đó Kazik không có đêm nào yên giấc, cứ nhắm mắt lại là ông lại nhìn thấy những vũ nữ Apsara ngọc ngà bước ra từ đá, ngực nhú cao, đôi mắt mơ màng, khuôn mặt và ánh mắt hoang dại, lặng lẽ múa. Khi Kazic thức giấc, nàng lại từ từ biến thành đá bất động.


Điệu Apsara tại Thánh địa Mỹ Sơn

Kazik đến khảo sát và làm việc nơi đây từ khi tôi còn chưa có mặt trên đời (1980). Một lần đi công tác ở Huế, ông đột ngột qua đời, bỏ dở khát khao phục chế quần thể tháp trở lại hiện trạng ban đầu. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Kazik còn cố dặn đi dặn lại các cộng sự của mình rằng: “Tôi không thể nào rời xa Mỹ Sơn được. Dẫu là cái chết cũng không thể mang tôi đi khỏi nơi ấy. Hãy chôn tôi ở Mỹ Sơn. Tôi muốn nhìn thấy cô gái của tôi quay trở về!”...

Đêm Mỹ Sơn dần buông, một màn sương giăng giăng mờ ảo. Càng về khuya mây càng xuống thấp. Cả thung lũng như mông lung huyền ảo trong tiếng hát của ca sĩ người Chăm, Đàng Năng Đức: “Ngủ quên trong kiếp đá Apsara, bàn tay người nghệ sĩ hóa thân ngà. Trăm năm làm một thuở nỗi mơ nung nấu ngàn đời, nung nấu ngàn đời mãi không nguôi. Ngàn năm trong kiếp đá Apsara, bàn tay người vũ nữ nét thiên thần, trên môi cười điệu nghệ, hồn mở ra vóc dáng hình hài, phiêu lãng đường trần mãi trông chờ.”... Giữa lúc mọi người bắt đầu nôn nóng vì sự chờ đợi thì những nàng Apsara bằng xương, bằng thịt xuất hiện ngay trước mắt, trên sân khấu nằm gọn trong quần thể tháp. Vũ điệu “Linh hồn của đá” khiến cho khán giả như ngây như dại. Tất cả như tan biến, như hòa quyện vào nhau, đắm say, ngây ngất theo từng ánh mắt, từng bước chân uyển chuyển theo nhịp trống Paranưng. Tất cả như bị thôi miên vào một thế giới diệu huyền của nền văn hóa Chăm thời hưng thịnh với tiếng kèn Saranai vang vọng khắp các sườn đồi...

Đến lúc ấy tôi mới thực sự cảm nhận hết ý nghĩa của lời bài hát “Mưa bay tháp cổ” của nhạc sĩ Trần Tiến: “Trăm năm bước phù du. Hoang sơ tháp cổ... Hoang sơ vũ điệu xưa. Cong cong năm ngón ngũ hành. Trăm năm bước mộng du. Nam mô nam mô nam mô nam mô Butda. Một vòng thôi miên thôi miên Apsara. Nhật nguyệt trên cao trên cao trên cao sáng tỏ. Em múa nghiêng ngả. Hoang sơ tháp cổ. Hoang sơ vũ điệu xưa. Nhật nguyệt trên cao nhân gian dưới thấp cách xa...”. Và tôi bỗng tin trong số các nàng Apsara đang múa có cả cô bé lọ lem câm lặng của Kazik ngày nào. Hồn đá Apsara trên các đền tháp rêu phong như đang rung chuyển, đang cựa mình sống dậy và lay động lòng người hôm nay...

Âm thầm tạo hình vũ nữ Apsara

Trên đường vào thánh địa Mỹ Sơn, du khách dễ dàng nhìn thấy một lán nhỏ đơn sơ chưa đầy ba mét vuông làm bằng cây lá tạm bợ với một người thợ hoàn toàn câm lặng, mãi mê tạo hình vũ nữ Apsara bằng đá núi Mỹ Sơn. Đó là anh Phạm Ngọc Xuân, người sinh ra và lớn lên ở thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, Duy Xuyên. Anh cũng có một tuổi thơ hồn nhiên trong bạt ngàn đồi núi, đền tháp và nắng gió hoang sơ. Tình yêu dành cho Mỹ Sơn và vũ nữ Apsara ngày càng cháy bỏng khiến cho tuổi thơ anh phải chịu nhiều trận đòn roi của người cha nghiêm khắc và nóng tính. Vì mải mê trong lòng tháp với các phù điêu vũ nữ Apsara làm lạc mất bò, rồi sợ hãi không dám trở về nhà mà ngủ luôn trong lòng tháp... Những trận đòn ấy không những không làm vơi bớt tình yêu ấy mà ngược lại còn thổi bùng ngọn lửa đam mê trong Xuân. May mắn thay, mẹ anh mặc dù chỉ là một phụ nữ nông thôn nhưng không kém tinh tế để hiểu được tình yêu của con trai mình dành cho Mỹ Sơn và ủng hộ anh trong việc chọn nghề điêu khắc đá...

Trong căn lán nhỏ, anh làm việc say mê bằng tất cả tâm lực và tình yêu của mình. Mỗi khi có khách tham quan, Xuân chỉ ngước nhìn và nở một nụ cười thật hiền như lời chào thân ái rồi lại cúi xuống với các vũ nữ... đá. Khách đến đây có thể tự chọn cho mình một sản phẩm làm quà lưu niệm. Du khách muốn để lại bao nhiêu tiền tùy lòng hảo tâm và khả năng đánh giá giá trị của sản phẩm, Xuân vẫn chỉ nụ cười ấy trên môi và cái cúi đầu cảm ơn và ánh mắt đắm đuối hạnh phúc nhìn sản phẩm của mình thật lâu thay cho lời từ biệt trước lúc chúng theo khách đi xa, mang hình ảnh, văn hóa của quê hương mình đến với năm châu...

Theo Nguyễn Nho Anh Tuấn (Công an Đà Nẵng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét