Nấm tràm Phú Quốc - Ảnh: T.Tâm
Mỗi năm nấm tràm chỉ mọc một lần sau những cơn mưa đầu mùa (khoảng tháng 4 - 5 âm lịch), nấm rộ dần và kéo dài khoảng 1 tháng là hết.
Theo đông y, nấm tràm có tác dụng chữa trị mệt mỏi, cảm cúm, nhức đầu, bổ nội tạng nhờ chất tinh dầu tràm. Vị đắng của nấm có tính chất thanh nhiệt, giải độc, giã rượu… Riêng trong việc chế biến món ăn, nấm tràm là một nguyên liệu tuyệt vời, không thể thiếu, giúp các món ăn “thăng hoa”hơn.
Nấm tràm có 2 loại, nấm tràm có tai nấm nhỏ là loại nấm tràm mọc từ gốc, lá mục cây tràm nước (tràm dùng làm cừ trong xây dựng), có hương vị thơm ngon. Còn tai nấm tràm lớn (như nón tai bèo) là nấm tràm mọc từ cây tràm bông vàng, có chất lượng kém, không ngon.
Ở Phú Quốc, vào mùa nấm tràm, người dân có thói quen chế biến các món ăn kết hợp với hải sản sẵn có như cháo nấm tràm nấu với tôm, mực; lẩu nấm tràm hải sản, nấm tràm xào tôm thịt, mực, sò, ốc… Nhưng với riêng tôi, món tâm đắc nhất phải kể là nấm tràm nấu canh gà.
Chế biến món ăn này rất dễ dàng. Chỉ cần có các nguyên liệu chính như gà ta (chọn loại thịt dẽ dặt), nấm tràm, rau cần, ngò gai cùng các gia vị khác.
Trước hết, gà ta làm sạch chặt miếng vừa đũa gắp. Cho gà vào nồi với nước lạnh nấu chín. Nấm tràm gọt chân, chẻ đôi nếu nấm lớn, rửa sạch, chần nấm qua nước sôi rồi vớt ra, để ráo. Tiếp đến cho nấm tràm vào nồi cùng thịt gà. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
Cuối cùng, cho rau cần tây xắt khúc cùng ngò gai xắt nhuyễn vào. Dùng vá đảo đều và nhắc xuống ngay, tránh để lâu nấm tràm mềm mất ngon.
Nấm tràm nấu canh thịt gà - Ảnh: T.Tâm
Bữa ăn đã sẵn sàng, cơm nóng bới ra chén. Dùng đũa gắp một miếng thịt gà cùng tai nấm tràm chấm vào chén nước mắm cho vào miệng nhai chậm rãi, sẽ cảm nhận vị ngọt dai của thịt gà, vị giòn, nhân nhẩn và mùi thơm đặc trưng của nấm tràm. Tất cả thấm vào vị giác, len xuống thực quản…
Và một miếng cơm nóng gạo mới dẻo thơm vào nữa, bạn không thể nào quên được một món ăn độc đáo nơi đảo Ngọc trong dịp hè...
THANH TÂM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét