Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Du lịch vào lòng đất

Tháng 7 năm 2002, tôi có dịp viếng thăm một công trình văn hóa dưới lòng đất. Đó là mỏ muối Weiliezka cách cố đô Krakow của Ba Lan chừng 15 cây số. Mỏ muối thì có gì lạ và tại sao Liên Hiệp Quốc lại công nhận nơi đây là một công trình di sản của nhân loại ?. Xin mời bạn hãy cùng tôi cùng đi thăm nơi nầy.

Chúng tôi đến mỏ lúc 2 giờ trưa. Ở đây đã có hàng đoàn du khách xếp hàng mua vé. Mua vé xong thì phải chờ để lập thành từng toán 35 người nói cùng một ngôn ngữ để được hướng dẫn vào lòng mỏ. Bạn không được đi tự do trong mỏ vì lý do an toàn. Ngoài toán nói tiếng địa phương, tiếng Anh nhiều nhứt, sau đó có các toán nói tiếng Pháp, Đức, Nhựt, Đại Hàn, Trung Hoa... Nếu muốn chụp hình hay quay phim video thì phải mua thêm một vé khác để dán vào máy chụp hình hay máy quay phim. Vé chụp hình là 2 đô la vé quay video là 3 đô la. Thật ra, trong mỏ, hơi tối nên khó chụp hình cho đẹp. Nhưng mấy ai đã tới đây mà lại hà tiện vài đô la ...
 

Toán chúng tôi nói tiếng Anh được một giáo viên dạy sử địa người Ba Lan hướng dẫn. Anh ta làm thêm nghề nầy để phụ thêm vào lợi tức khiêm tốn của nghề giáo. Nhưng anh nói tiếng Anh rất lưu loát và có duyên nên được nhiều người trong đoàn yêu mến. Điển hình là một phụ nữ Mỹ trong đoàn đã hôn anh ta khi anh kể chuyện rằng những người thợ mỏ thường để râu để được phụ nữ yêu mến (những người hướng dẫn hầu hết đều để râu ).

Thang máy gồm hai hộp sắt đưa chúng tôi vào trong lòng đất chỉ trong một phút. Nhưng một phút đó thấy cũng lâu lắm vì trong thang máy không có đèn và tối thui nên nhiều người trong đoàn đã la lên (một cách vui vẻ): hình như chúng tôi đang đi vào ... địa phủ. Thật vậy đây là nơi sâu nhứt trong lòng đất mà tôi đã đi tới, bởi vì ở đây sâu tới ...135m


Nơi chúng tôi được tham quan chỉ là một phần rất nhỏ trong mỏ muối Wieliezka. Mỏ nầy có 9 tầng khai thác ở những độ sâu từ 64 mét tới 327 mét. Toàn bộ khu mỏ rộng 7,5 cây số vuông được khai thác từ hơn 700 năm nay và hiện giờ cũng còn đang tiếp tục. Vùng nầy trước đây là biển, do những biến đổi địa chất mà biển bị chôn vào lòng đất, muối bị ép lại thành đá. Nhưng đá muối không nằm thành khối thật lớn mà nằm rải rác thành những khối to nhỏ khác nhau. Giống như một cái bánh bông lan có bỏ những hạt nho trong đó. Có người tưởng tượng như vậy. Khi khai thác người ta phải đào những đường hầm (hành lang) để nối các khu mỏ lại với nhau. Những đường hầm nầy dài trên 320 cây số nối liền 2148 khu khai thác, nhưng chúng tôi chỉ đi thăm 30 khu bằng những hành lang dài chừng 3 cây số.
 

Đó là những dữ kiện về mỏ. Nhưng những người thợ mỏ còn truyền tụng với nhau về nguồn gốc của mỏ nầy. Theo đó, công chúa Kinga là con của vua Béla người Hungary, khi lấy chồng là hoàng tử Ba Lan Boleslaw thì từ chối những ngọc ngà châu báu mà vua cha trao tặng, mà chỉ xin ông một mỏ muối của xứ Hung. Được cha đồng ý, nàng đến vùng mỏ Fransylvanie bỏ chiếc nhẫn cưới vào mỏ. Khi theo chồng về đến Krakow, nàng đến vùng Wieliczka và bão những người thợ mỏ đào cho nàng một cái giếng sâu. Khi đào đến tầng muối đầu tiên, họ thấy chiếc nhẫn cưới của Kinga đã nằm trong đó. Như vậy mỏ muối từ Hungary đã về Balan.

- "Xin hãy chú ý trên đầu".

Người hướng dẫn luôn luôn nhắc nhở như vậy. Các đường hầm tuy cũng rộng rãi đối với chúng ta nhưng đối với người ngoại quốc đôi khi cũng hơi thấp. Các đường hầm hay hành lang nầy rộng chừng 2 mét, cao cũng khoảng 2 mét, một vài nơi còn thấp hơn nữa. Đó là hành lang dành cho khách du lịch. Còn hành lang dành cho công nhân mỏ thì còn tệ hại hơn nhiều lắm, đôi khi trơn trợt, rất nguy hiểm.

Phòng đầu tiên mà chúng tôi dừng chân là một nơi cầu nguyện với hình các tượng điêu khắc bằng đá muối do những người thợ mỏ taòi hoa làm ra trong thời gian rảnh rỗi. Đá muối thường "mềm" hơn các loại đá khác nên dễ tạc hơn. Một điểm đặc biệt là nó không cản ánh sáng. Để một cây đèn pin ở phía sau viên đá thì ta vẫn thấy ánh sáng lờ mờ (tiếng Anh gọi là translucent). Người Ba Lan rất mộ đạo Thiên Chúa, nghề làm mỏ lại rất nguy hiểm nên người ta tạc các tượng nầy để thờ phương và cầu nguyện để tạo sự bình yên trong tâm hồn.

Chúng tôi lại đi vào các hành lang dài để vào các phòng trưng bày khác. Đó là những phòng triển lãm cách khai thác mỏ theo phương pháp thô sơ. Người ta đào mỏ bằng tay, sau đó dùng những xe goòng để đẩy đá muối bằng nhân lực hay do ngựa kéo. Ngựa cũng dùng để quay các thùng để đưa đá lên mặt đất. Công việc rất nặng nhọc và nguy hiểm. Nhưng đôi khi người thợ cũng được thưởng bằng ... muối. Thời xưa, muối được dùng để ăn và để bảo quản thực phẩm bởi vì chưa có tủ lạnh, thịt cá ướp muối sẽ để dành được lâu hơn. Vùng Trung Âu ở xa biển nên muối rất quý và giá trị của muối có khi ngang với ... bạc.. Chủ nhân mỏ muối chính là Hoàng Gia vùng Krakow.
Ta hãy tiếp tục thăm các phòng khác. Đây là một phòng có trần thật cao (khoảng 30 mét), hình dạng như cái chum, khi ta nói hơi to, tiếng nói vọng lại vang vội. Vì trần cao nên phải chống đỡ, các công trình chống đỡ ở trong mỏ cũng là một kỳ công của những người kỹ sư và thợ mỏ ở đây. Trong mỏ cũng có những hồ nước mặn sâu khoảng 7 mét. Mặn gấp 7 lần nước biển. Nếu rủi bạn có té xuống hồ mà không biết bơi thì cũng không sao đâu vì bạn vẫn nổi. Lại có một khu khá rộng, ngày trước khi quân Đức chiếm đóng Ba Lan , họ dùng phòng nầy để chế tạo các cơ phận của máy bay.

 

Men theo một cầu thang gỗ chúng tôi xuống sâu hơn nữa. Đó là một nhà thờ lớn. Dài khoảng 50 mét, rộng 15 mét, cao 12 mét, nhà thờ nầy có thể chứa tới 1000 người. Nhiều đám cưới đã được tổ chức ở đây, sâu trong lòng đất. Hai bên vách nhà thờ là những bức phù điêu với các tượng thánh hay các sự tích trong kinh thánh , như bức tranh "Bữa tiệc Cuối Cùng" được tạc trong một thời gian rất dài (khoảng 70 năm). Những tác phẩm nghệ thuật nầy đều do những thợ mỏ làm ra, tuy không chuyên nghiệp, nhưng độ khéo léo và tính nghệ thuật cũng khá cao. Như những phù điêu ở đây, nhìn nghiêng thì rất nổi. Không khí trong lòng mỏ mát lạnh, đèn trên trần lung linh huyền ảo, làm cho tâm hồn ta chùng lại về một thời xa xưa huyền bí nào đó.

- “Hãy hít thở cho mạnh vào”.

Người hướng dẫn nói như vậy bởi vì theo ông ta cho biết, không khí trong mỏ rất tốt vì có chứa những chất vi lượng cần thiết cho cơ thể và có ích cho sức khoẻ. Do đó trong mỏ có một khu điều trị những bịnh về đường hô hấp. Có người cho rằng nếu hít một hơi dài thì sẽ sống thêm được năm phút. Nhiều người bịnh suyễn hay khó thở được đưa vào mỏ để điều trị (nhưng chúng tôi không được vào khu nhà thương nầy, mà có cho vào cũng không mê !!).

Cuối cùng, nơi chúng tôi được thăm lại là một khu bán đồ lưu niệm và một trạm bưu điện. Ở đây bạn có thể gởi một bưu thiếp từ một nơi sâu 135 mét trong lòng đất. Tuy nhiên, mấy người trong đoàn lại khen là đi toillet ở đây cũng rất có lý vì sạch sẽ mà lại miễn phí (bên Âu Châu, mỗi lần bạn đi toillet là phải trả tiền, có khi họ đòi tới 50 xu Mỹ, một đòi hỏi có vẻ quá đáng).
Xem thêm:
Sau khi mua mấy món đồ lặt vặt như hổ phách, hay những viên đá thật đẹp để làm quà, chúng tôi sắp hàng để được kéo lên mặt đất. Lúc nầy thì hơi đông nên thang máy làm việc liên tục. Chúng tôi phải chờ hơn nửa tiếng mới tới phiên. Trong lúc trò chuyện, có người đặt câu hỏi là nếu thang máy hư , hoặc có hỏa hoạn , nổ trong mỏ, hay động đất ... liệu chúng tôi có bị chôn sống trong lòng mỏ hay không ? Hỏi thì hỏi vậy chớ không ai muốn điều đó xảy ra, Và chắc nhiều người khác cũng không ai thắc mắc như vậy vì mỗi năm có tới 700.000 người đã tới thăm khu mỏ đầy công trình nghệ thuật nầy. Họ tới thăm không phải để hít thở không khí trong sạch trong mỏ mà để thăm một nơi có nhiều điều hay, lạ. Cuối cùng, thang máy cũng đưa chúng tôi trở lại mặt đất an toàn để tiếp tục du hành qua Hungary thăm thủ đô Budapest, rồi Áo quốc với kinh đô âm nhạc Vien.... Những nơi nầy tuy đẹp đẻ nhưng chắc sẽ không ghi lại những ấn tượng kỳ lạ như ở đây khi thăm một công trình văn hoá có một không hai ở dưới mặt đất và những kỷ niệm nơi đây chắc sẽ khó mà phai nhạt về chuyến đi nầy.
(chuyến đi năm 2003)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét