Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Helsinki – White City of the North

Thủ đô Helsinki nằm ở phía nam đất nước bên bờ vịnh Phần Lan. Thành phố nầy có 595.000 dân và được gọi là Thành phố Trắng của phương Bắc có lẽ do đa số kiến trúc ở đây được sơn màu trắng (?). Tên gọi khác của Helsinki là “Người Con Gái của Baltic” (Daughter of the Baltic) do nét duyên dáng của nó.

Thành phố được người Thuỵ Điển thành lập năm 1550 để làm nơi trao đổi hàng hoá và cạnh tranh với thành phố Tallinn (lúc đó thuộc Đan Mạch). Để bảo vệ nơi đây, pháo đài Suomenlinna được trên một hòn đảo ở phía nam vào giữa thế kỷ thứ 18. Tuy nhiên Thuỵ Điển thua trận với Nga phải “nhường” Helsinki lại cho người Nga năm 1809. Đến năm 1812 thì nơi đây trở thành thủ đô của Phần Lan thay cho cố đô Turku.

Helsinki là trung tâm kinh tế, văn hoá, chánh trị của Phần Lan. Trong thành phố có những công trình kiến rúc đẹp mắt và được công nhận là thành phố văn hoá của Châu Âu từ năm 2000.

Du lịch:

Các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Helsinki là:

Quảng trường Thượng Nghị Viện nơi có ngôi Nhà Thờ lớn (Tuomiokirkko).

Nhà thờ nằm trong vách đá (Temppeliaukion kirkko- Rock Church)

Khu Chợ Hải Cảng và Tượng Amanta (biểu tượng của Helsinki)

Nhà Thờ Uspenski

Sân vận động Thế Vận Hội

Tượng đài kỷ niệm Sibelius

Phương tiện di chuyển:

Tàu cặp bến ở cảng phía tây. Hãng tàu Princess có xe con thoi (shuttle) để đưa du khách vào thăm thành phố với giá 15 Euro (vé khứ hồi). Tuy nhiên xe chỉ đưa bạn vào khu trung tâm và bạn đi chơi quanh quẩn gần đó mà thôi. Muốn đi xa hơn, bạn phải tìm hiểu về phương tiện di chuyển ở Helsinki.

Helsinki có hệ thống xe công cộng rất phát triển. Bạn có thể đi xe điện ngầm, xe tram, xe buýt, tàu thuỷ …

Bạn có thể mua vé từng chuyến hoặc cũng có thể mua vé nguyên ngày với giá 7 Euro (từ tài xế, hay các tiệm tạp hoá, quầy hướng dẫn du lịch …). Với vé nầy bạn có thể đi nhiều phương tiện giao thông trong vòng 24 giờ rất tiện lợi và tiết kiệm so với mua vé lẻ.

Chuyến thăm viếng Helsinki của chúng tôi:

Sáng nay trời nắng đẹp. Chúng tôi rời tàu lúc 8:30 để đi thăm viếng thủ đô Helsinki - Phần Lan. Tại bến tàu có nhiều phương tiện để vào khu trung tâm như các loại xe Hop On Hop Of, xe shuttle của công ty Princess, xe taxi … Do đã nghiên cứu trước, chúng tôi không đi các loại xe nầy mà ra ngoài trạm xe buýt trước bến phà Tallinn để đi xe buýt. Trạm nầy cách bến tàu Princess chừng 400 mét. Chúng tôi sẽ đi xe số 15 để về nhà ga trung tâm Helsink. Từ đây sẽ tiếp tục đi các xe khác. Giá vé cho nguyên ngày di chuyển bằng các phương tiện công cộng là 7 Euro. Ta có thể đi bất cứ xe buýt, xe điện nào, kể cả tàu thuỷ ra đảo Suomenlinna là một di sản thế giới.
Từ bến tàu về khu trung tâm không xa lắm. Người khoẻ cũng có thể đi bộ. Còn đi xe buýt thì chỉ 15 phút là tới. Đường về trung tâm rộng rãi, hai bên có nhiều nhà lầu nhưng sáng nay chủ nhựt nên tiệm quán còn đóng cửa, dọc đường không thấy khách bộ hành gì cả. Mấy xứ Bắc Âu nầy ít dân, chỉ có những khu thương mại lớn mới hơi đông một chút. Tới nhà ga xe lửa trung tâm là trạm chót, chúng tôi xuống xe hỏi đường sau đó đi bộ một chút để đón tiếp xe buýt số 24 với ý định sẽ đến địa điểm du lịch đầu tiên là

Đài tưởng niệm Sibelius:

Trạm xe buýt số 24 nằm ngay trung tâm thành phố đối diện một thương xá to lớn tên là Forum. Chúng tôi chờ chừng 10 phút thì xe tới. Trên xe có một đoàn khoảng 20 khách người Hoa. Họ cũng đi xem đài tưởng niệm Sibelius giống như chúng tôi. Họ có người hướng dẫn, còn chúng tôi đi tự do. Xe chỉ chạy có 10 phút là tới. Tại công viên Sibelius, đã thấy có 3 chiếc xe chở khách đi tua tới đây rồi.

Jean Sibelius là một nhạc sĩ nổi tiếng người Phần Lan. Ông mất năm 1957 hưởng thọ 91 tuổi. Để tưởng nhớ ông, thành phố tổ chức một cuộc thi thực hiện một đài tưởng niệm. Trong số 50 điêu khắc gia tham dự, Eila Hiltunen được chọn với dự án làm 600 ống thép không rỉ đặt sát nhau cao thấp một cách mỹ thuật giống như biểu đồ âm thanh. Toàn bộ tượng đài sẽ nặng 24 tấn, rộng 10,5 mét, cao 8,5 mét. Lúc đầu, dự án bị nhiều người chỉ trích chê bai nầy nọ. Nhưng sau khi khánh thành từ năm 1961 tới nay nơi đây trở thành một địa điểm thu hút du khách khi họ tới thăm Helsinki, thậm chí phiên bản thu nhỏ của tượng đài đã được thực hiện và đặt tại trụ sở UNESCO Paris và trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.

Chúng tôi tới đây lúc gần 9 giờ sáng. Trời nắng đẹp. Tượng đài đặt trên một mô đất cao giữa một công viên nên trông sáng sủa và gây ấn tượng mạnh. Bên cạnh tượng đài với các ống thép còn có tượng điêu khắc khuôn mặt của nhạc sĩ. Trông ông ta đẹp trai và có vẻ nghệ sĩ (dĩ nhiên rồi !). 


Đài tưởng niệm Sibelius - Helsinki

Sáng nay, tuy còn sớm mà số du khách tới đây để xem tượngg đài cũng đông quá. Nhiều nhứt là người Hoa. Họ đi theo tua. Có lẽ thời giờ ít ỏi nên họ chen nhau chụp hình trông rất láo nháo, mất trật tự.

Chúng tôi đi chơi tự do nên có nhiều thì giờ hơn. Sau khi xem tượng đài về một nhạc sĩ nổi tiếng, được thực hiện bởi một điêu khắc gia tài giỏi, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào bên trong. Phía tây công viên là bờ biển. Ở đó có băng ghế ngồi nghỉ, ngắm cảnh. Đó là một vịnh nhỏ nơi có nhiều du thuyền nhỏ cặp bến. Có một tiệm cà phê ở gần đó. Vài người địa phương đang đi dạo buổi sáng. Khung cảnh thật tĩnh mịch, yên ả, thanh bình.

Thăm viếng khu đài tưởng niệm xong, chúng tôi ra bến xe buýt để trở lại khu trung tâm thành phố. Chúng tôi xuống xe ở trạm cũ, sau đó chuyển qua xe điện số 3T để ra một địa điểm du lịch nổi tiếng của Helsinki là khu Market Square .

Quảng trường Thị Tứ (Market Square):

Quảng trường nằm ở bến tàu du lịch, phía đông khu trung tâm của Helsinki. Ở đây có một chợ trời bán đủ thứ hàng hoá cho khách du lịch như bưu thiếp, đồ thủ công, thuỷ tinh, quần áo … Ngoài ra, họ còn bán thức ăn như trái cây và hải sản nữa. Khu chợ khá đông người bán, người mua tạo nên một không khí nhộn nhịp vui vẻ rất nhiều so với những nơi khác trong thành phố. Trên bến tàu, các tàu chở khác ra thăm đảo hay các du thuyền, tàu của người đánh cá ra vô không ngớt càng tạo thêm sự sinh động, náo nhiệt. Phía bắc quảng trường là Toà Thị Chánh, Dinh Tổng Thống Phần Lan. Đây là hai dinh thự to lớn xinh đẹp nhưng hôm nay ngày chủ nhựt nên đóng cửa im lìm.

Ở bến tàu có trạm xe điện. Lúc nầy du khách từ các tàu cruise lần lượt đổ về đây. Phía tây quảng trường có một bồn nước xinh đẹp. Đó là bồn nước có tượng Amanda, một biểu tượng của Helsinki. Ta hãy qua đó xem một chút.

Bức tượng Amanda:

Bồn nước xây bằng đá hoa cương. Giữa bồn nước là tượng một phụ nữ khoả thân có tên là Amanda. Tượng làm bằng đồng cao 1,94 mét đặt trên bệ cao 5 mét. Dưới chân tượng có 4 con cá phun nước. Phía ngoài lại có tượng bốn con hải cẩu cũng phun nước ngược vào hồ. Mấy con hải cẩu nầy cũng làm bằng đồng cao chừng 1,5 mét.

Bức tượng được điêu khắc gia Ville Vallgren (1855-1940) tạc năm 1906 tại Paris theo mẫu của một thiếu nữ Paris 19 tuổi, tên là Marcelle Delquini. Lúc sáng tác, điêu khắc gia đặt tên tượng là Merenneito - Mỹ Nhân Ngư. Tượng được đặt tại Market Square – Helsinki năm 1908 thì đổi tên là Havis Amanda. Theo tác giả, tượng nầy mô tả một mỹ nhân ngư đứng trên rong biển thể hiện sự tái sinh của Helsinki.

Sau khi tượng được khánh thành thì có nhiều người phê phán, nhứt là giới phụ nữ. Họ nói bức tượng trông sexy quá, gợi tình quá không giống sự ngây thơ của một mỹ nhân ngư. Có người còn nói: Nó giống “một con điếm người Pháp”. Còn bốn con hải cẩu với chiếc lưỡi thè ra sao giống hình ảnh của quý ông đang thèm muốn người đẹp. Họ nói cũng đúng vì theo nhận xét của tôi bức tượng nầy tuy rất mỹ thuật nhưng dáng đứng hơi ưỡn ra phía trước của nó trông hơi khiêu khích về mặt tình dục. 


Bức tượng Amanda nhiều tranh cãi

Nói gì thì nói, tượng Amanda ngày nay đã trở thành một biểu tượng (không chánh thức) của thủ đô Helsinki. Hàng ngày có rất nhiều du khách tới đây thăm viếng chụp hình. Hàng năm vào dịp lễ Vappu (nhằm ngày 1/5), sinh viên đại học có truyền thống đội một cái nón lưỡi trai màu trắng cho bức tượng, sau đó họ quây quần vui chơi ở đây rất vui vẻ.

Lại có nhiều người tin rằng, bức tượng nầy tượng trưng cho tình ái, nếu quý ông tới đây thì nên dùng nước hồ để rửa mặt và hét lên ba lần từ “Rakastaa!” (có nghĩa là Love - Tình Yêu) thì ông ta sẽ được tăng thêm khả năng tình dục!

Trụ đá Alexandra:

Sau khi xem “con điếm Paris”, chúng tôi đi về phía đông với ý định sẽ thăm viếng Nhà Thờ Uspenski trên đồi cao. Dọc đường chúng tôi thấy có một trụ đá hoa cương màu đỏ, hình tháp khá cao. Trên đỉnh có tượng một quả cầu và một con chim đại bàng có hai đầu bằng đồng. Đó là Trụ Đá Czarina. Trụ đá nầy đặt ở đây để kỷ niệm chuyến viếng thăm của Nữ Hoàng nước Nga là Alexandra Feodorova năm 1835.

Nhà Thờ Uspenski:


Nhà Thờ Chánh Thống Giáo Uspenski

Chúng tôi đi về phía đông về hướng nhà thờ Uspenski. Nhà thờ nằm trên đồi cao, xây bằng gạch đỏ, mái nhọn màu xanh, trên đỉnh có những vòm củ hành phủ vàng. Đây là nhà thờ Chánh Thống Giáo theo giáo hội ở Nga. Kiến trúc nầy rất lớn, từ dưới chân đồi nhìn lên đẹp lắm. Đồi không cao lắm chừng 20 mét là cùng. Sáng nay chủ nhựt, trong nhà thờ có làm lễ. Tuy nhiên, người ta cũng cho du khách vào xem. Trang trí bên trong nhà thờ tương tự như bên Nga nghĩa là trên trần, trên tường có khảm hay vẽ rất nhiều tượng thánh mà mình không biết là ai. Đặc biệt là nhà thờ không có ghế. Nhiều tín đồ đang bu quanh một vị linh mục để làm lễ trước một bàn thờ. Đa số, người dân Phần Lan theo đạo Tin Lành. Đạo Thiên Chúa theo Chánh Thống Giáo có ít tín đồ hơn, nhưng đây là nhà thờ lớn, lại là ngày chủ nhựt nên cũng đông người lắm.

Nhà thờ nằm trên đồi cao, phía trước có một sân rộng. Từ đây có thể nhìn được khá xa. Sáng nay trời nắng tốt nên phong cảnh cũng khá xinh đẹp.

Quảng trường Thượng Nghị Viện:


Quảng trường Thượng Nghị Viện và Nhà thờ Helsinki

Rời nhà thờ Uspenski, chúng tôi tiếp tục đi bộ đến thăm một địa điểm du lịch của Helsinki ở gần đó là quảng trường Thượng Nghị Viện (Senate Square). Đây là một quảng trường hình chữ nhựt khá lớn, mỗi chiều khoảng trên dưới 100 mét. Phía bắc quảng trường là nhà thờ Helsinki (trước đây có tên là Nhà Thờ Thánh Nicholas). Phía đông là Toà Nhà Chánh Phủ. Phía tây là Trường Đại Học. Phía Nam quảng trường là khu thương mại. Giữa quảng trường có tượng Nga Hoàng Alexander II. Hôm nay chủ nhựt, trong quảng trường, người ta căn lều triển lãm và bán hàng nên có nhiều khách tới thăm viếng mua bán. Họ cho nhiều xe hàng vào tận đây gây ra cảnh lộn xộn, không đẹp mắt chút nào. Trên các con đường vòng quanh, rất nhiều xe buýt của các tua chở du khách đậu ở đây để họ đi thăm viếng khu Market Square.

Phía bắc quảng trường là Nhà Thờ Helsinki trên đồi cao. Trước nhà thờ có làm bậc thang bằng đá để du khách ngồi chơi hay theo bậc thang mà leo lên đồi. Bậc thang ở đây tương đối dốc, leo lên cũng khá nguy hiểm. Lên tới nơi mới hay nhà thờ đóng cửa không cho thăm viếng do đó chúng tôi không biết bên trong nhà thờ nầy như thế nào. Còn phía ngoài thì nhà thờ nầy khá lớn, sơn trắng. Nó có một mái vòm lớn, xung quanh có bốn vòm nhỏ, tất cả đều sơn xanh. Do nằm trên đồi cao nên nếu nhìn từ xa nhà thờ nầy coi rất uy nghi tráng lệ, còn tới gần thì thật ra các trang trí bên ngoài đơn giản hơn nhiều so với các nhà thờ khác ở Châu Âu.

Trong khi dạo chơi ở Quảng trường Thượng Nghị Viện, chúng tôi gặp nhóm đồng hương Việt Nam cũng đi chơi ở đây. Họ có 6 người, cũng hơi lớn tuổi nhưng cũng đi chơi tự do chớ không mua tua của tàu Princess. Chắc họ đi xe shuttle để ra đây chớ thật ra kiếm bến xe buýt số 15 cũng không phải dễ.

Esplanade:

Xem khu quảng trường xong, chúng tôi đi về phía nam, trở lại khu Market Square và đi bộ dọc một khu công viên nằm giữa hai con đường mua sắm ở phía bắc và nam. Trong công viên có nhiều khách bộ hành. Họ từ các xe hop on hop off xuống. Họ từ các tua của du thuyền. Họ đến đây để mua sắm, ngồi chơi hay xem internet vì nghe nói ở đây có tín hiệu wifi miễn phí. Trong công viên có nơi bán kem nhưng giá rất mắc. Ngoài ra còn có một tiệm cà phê và một sân khấu lộ thiên. Có một anh kia thổi kèn để xin tiền và có một văn phòng hướng dẫn du lịch nơi phát miễn phí bản đồ thành phố. Giữa công viên có tượng của một nhà thơ của Phần Lan tên là Johan Ludwig Runeberg (nhà thơ mà được dựng tượng thì chắc chắn thơ phải trữ tình lắm. Khâm phục!). . Ở đó lúc nầy có một cô gái cầm bảng nói sẽ hướng dẫn xem các thắng cảnh của thành phố miễn phí lúc 12 giờ trưa. Ai thích thì chờ tới đúng giờ, cô sẽ dẫn đi. Chúng tôi ngồi chơi, ngắm cảnh ở một băng đá chừng 15 phút cho đỡ mỏi chân, sau đó đi xe tram số 3T để viếng thăm một thắng cảnh khác của Helsinki là:

Nhà Thờ Đá (Rock Catheral):

Nhà thờ nằm ở phía tây thành phố và có tên là Temppeliaukion Church. Ta có thể tới đó bằng cách đi bộ (chừng 30 phút) hay theo xe tram số 3T (chỉ 10 phút). 


Bên trong Nhà Thờ Đá Helsinki

Nhà thờ khánh thành năm 1969. Người ta đào sâu khoảng 10 mét vào bên trong của một khối đá hoa cương tròn với đường kính khoảng 40 mét, sau đó làm một mái vòm bằng đồng nhưng có đường kính nhỏ hơn. Phần phía ngoài của mái là 180 thanh kim loại đồng tâm. Khoảng trống giữa các thanh kim loại phủ kiếng nhờ vậy ánh sáng thiên nhiên có thể lọt vào và chiếu sáng bên trong. Từ ngoài nhìn vào thì thấy nhà thờ nầy không gây ấn tượng gì cho lắm. Vào bên trong thì thấy tường nhà thờ là vách đá, bệ thờ, ảnh tượng cũng không thấy đâu, chỉ thấy một cây đàn organ với nhiều ống thép. Giữa nhà thờ có nhiều băng ghế để khách ngồi nghe nhạc. Đơn giản vậy thôi. Thế nhưng do xây trong đá nên âm thanh ở đây rất tuyệt vời, vì vậy nhiều buổi hoà nhạc đã được thực hiện ở đây. Nhà thờ đá là một địa điểm du lịch đặc biệt thu hút hàng trăm ngàn du khách hàng năm khi họ tới thăm viếng Helsinki.

Trước nhà thờ đá có hai tiệm bán đồ kỷ niệm, do thuận tiện nên du khách vào xem và mua hàng rất đông, mấy cô thu ngân tính tiền không kịp.

Khu vực nhà ga:

Xem nhà thờ trong đá xong, chúng tôi đón xe tram 3T trở lại khu nhà ga trung tâm Helsinki. Nhà ga rất lớn, cổng nhà ga hình vòm, mỗi bên cổng có hai tượng người thanh niên. Tổng cộng là bốn tượng. Trên trên tay mỗi tượng là một cái đèn tròn. Đối diện nhà ga là một khu thương mại. Ở đó có tiệm bán quần áo, nhà hàng, tiệm kem, tiệm cà phê… Khu vực quanh nhà ga có nhiều kiến trúc đẹp. Quảng trường phía bên tay phải rất rộng, ở đó có nhiều kiến trúc to lớn. Đặc biệt phía bắc là Nhà Hát Quốc Gia Phần Lan. Nhìn phía ngoài, nhà hát nầy giống như một lâu đài.
Xem thêm:
Bên trong nhà ga có nhiều sạp bán sách báo, bưu thiếp, đồ kỷ niệm, đồ ăn nhanh… Thấy để giá một phần bánh mì baguette là 5 Euro.

Chúng tôi còn 3 giờ để vui chơi ở Helsinki nhưng đã mỏi chân nên xin hẹn kỳ sau, nếu có dịp trở lại sẽ đi thăm đảo Suomenlinna hay sân vận động Helsinki, nơi tổ chức Thế Vận Hội năm 1956. Lúc nầy hơi mệt nên phải trở về tàu nghỉ ngơi.

Lúc 2 giờ trưa, chúng tôi trở lại bến xe buýt số 15 để đón xe về tàu. Trưa nay, nhiều du khách như chúng tôi cũng đang chuẩn bị trở về tàu nên tại bến xe người ta sắp hàng khá dài. Xe tới, tài xế bán vé chỉ nửa xe rồi chạy chớ không bán cho hết chỗ (có lẽ họ chạy theo thời khoá biểu nên không dừng lâu ở một chỗ). Khách có sắp hàng dài thì xin chờ chuyến sau. Chúng tôi mua vé ngày nên không cần mua vé nữa mà chỉ cần trình vé đã mua hồi sáng. Xe chạy chỉ 10 phút là về tới bến tàu. Từ trạm xe buýt đi bộ về tới tàu cũng hết 10 phút nữa. Đi chơi chuyến nầy đi bộ khá nhiều nên tuy có ăn nhiều một chút thì cũng không lên cân bao nhiêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét