Ăn trưa xong, chúng tôi tiếp tục xuôi nam đi ngang mà không ghé thủ phủ của Maryland là thành phố Baltimore. Sau một giờ hành trình, chúng tôi đã thấy thấp thoáng thủ đô Washington với ngọn tháp cao vút của Đài tưởng niệm tổng thống Washington mà người ta còn gọi là “Cây Viết Chì”. Robin giới thiệu sơ qua về thủ đô Washington như sau:
Xem thêm:
Sau khi lập quốc, những nhà lãnh đạo Mỹ làm việc tại New York rồi Philadelphia. Ở đây họ bàn thảo về việc lập một thủ đô mới cho đất nước. Sau nhiều tranh cãi, quốc hội chọn khu đất nằm bên dòng Potomac giữa hai tiểu bang Virginia và Maryland là vị trí cho thủ đô tương lai. Lúc đó, trên thế giới chỉ có nước Mỹ là nước duy nhứt chọn và quy hoạch thủ đô cho mình từ một vùng đất mới. Năm 1791, một thiếu tá người Pháp trong đoàn quân của tổng thống Washington tên là Pierre L’Enfant được chọn làm kiến trúc sư để quy hoạch thủ đô mới. Ông nầy chịu ảnh hưởng của các thành phố ở quê nhà nên dự định Washington sẽ tương tự Paris với những đại lộ rộng khoảng 50 mét toả ra các hướng từ các quảng trường trung tâm. Sau khi hoàn tất dự án, ông nầy lại đụng chạm với một chủ đất giàu có nên có rắc rối về pháp luật. Do đó ông bị cách chức năm 1792 . Nhưng những ý tưởng của ông đã được tiếp tục thực hiện và năm 1793 người ta bắt đầu xây dựng thủ đô mới. Bảy năm sau, năm 1800, quốc hội bắt đầu dời về đây và làm việc trong các công ốc đang xây cất dang dở.
Trong cuộc chiến tranh với người Anh năm 1812, Washington DC đã bị đốt cháy nhiều nơi. Sau đó, thủ đô không thay đổi nhiều cho tới khi xảy ra cuộc nội chiến năm 1861. Đến năm đó, lính tráng khắp nơi kéo về và nhờ vậy mà nơi đây phát triển hơn dù rằng có nhiều trận chiến xảy ra gần đó. Từ đó đến nay, thủ đô Washington đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một trung tâm chánh trị, văn hoá, ngoại giao… Đến thủ đô chúng ta có thể thăm viếng:
Các cơ quan chánh phủ như Toà Nhà Quốc Hội, Toà Bạch Ốc, Cơ Quan Điều Tra Liên Bang FBI, các bộ của chánh phủ ...
Các đài tưởng niệm những vị anh hùng dân tộc.
Các bảo tàng viện thuộc Smithsonian Institution gồm mọi lãnh vực từ lịch sử tự nhiên, tới hội hoạ, mỹ thuật, hay hàng không và không gian …
Điện Capitol – Toà Nhà Quốc Hội:
Capitol: Toà Nhà Quốc Hội
Xe ngừng ở dưới chân đồi để chúng tôi chụp hình Capitol hay Toà Nhà Quốc Hội. Đây là một kiến trúc to lớn và đẹp đẽ với mái vòm ở giữa. Nếu chỉ nhìn trên hình thì ta khó có thể hình dung sự to lớn của công trình nầy. Phải tới nơi thì mới cảm nhận được sự vĩ đại của nó. Ít nhứt toà nhà nầy cũng cao khoảng 80-100 mét và rộng khoảng 250 mét. Thêm vào đó nó lại nằm trên đồi cao nên trông rất vĩ đại. Mái vòm của toà nhà gọi là Rotunda nặng 4.500 tấn làm bằng hai lớp kim loại. Đỉnh vòm có một bức tượng tên là Tự Do mặt hướng về phía đông. Hai cánh của toà nhà là văn phòng của hai viện quốc hội. Phía trước, dưới chân đồi là tượng của tổng thống Grant và một cái hồ. Từ đây nhìn xa xa là Đài tưởng niệm tổng thống Washington có biệt danh là “Cây Viết Chì”.
Đồi Capitol bắt đầu cho một khu vực rộng lớn kéo dài từ đây về phía sông Potomac gọi là National Mall chữ nầy không biết dịch làm sao nên xin tạm dịch là Khu Thương Mại Quốc Gia. Thật ra đó chỉ là một khu đất trống chớ không có bất cứ trung tâm mua bán nào. Bề dài của National Mall khoảng 3-4 cây số. Ở giữa khu nầy là Đài Tưởng Niệm tổng thống Washington. Đầu kia là Đài tưởng niệm tổng thống Abraham Lincoln.
Bảo Tàng Hàng Không và Không Gian:
Phần đầu của phi thuyền Apollo trong
Bảo Tàng Hàng Không và Không Gian – Smithsonian
Sau khi chụp hình ở chân đồi Capitol, chúng tôi lên xe để đến thăm viếng Bảo Tàng Hàng Không và Không Gian thuộc Smithsonian Institution. Các viện bảo tàng thuộc Smithsonian đều mở cửa tự do cho công chúng vào xem. Tại viện bảo tàng nầy chúng ta sẽ thấy tận mắt những toàn bộ hay một phần những chiếc máy bay từ cổ xưa đến hiện đại. Nhưng tôi thích nhất là được nhìn tận mắt phần chóp của phi thuyền Apollo cũng như bộ phận đã đáp xuống mặt trăng. Người ta còn trưng bày một mẫu đá lấy về từ mặt trăng nữa. Mẫu miếng đá nầy nhỏ xíu chỉ vài cm mà thồi. Bạn có thể rờ lên miếng đá nầy. Cảm giác ra sao ? Cũng như một mảnh đá thường mà thôi. Không có gì lạ. Chỉ quý ở chỗ nó được đưa về đây từ mấy trăm ngàn cây số. Trong bảo tàng còn trình bày lịch sử hàng không thế giới cũng như cách thức chế tạo máy bay trong thời đại ngày nay.
Bảo tàng nầy thích hợp cho những người yêu khoa học. Do ít thời giờ nên chúng tôi không thể xem được viên kim cương Hope lớn nhứt thế giới trưng bày ở Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên.
Trước viện bảo tàng, trên sân cỏ của National Mall, hôm nay có triển lãm các loại chiến cụ của quân đội Mỹ. Tôi đã ra xem và có chụp hình với một anh lính thuộc lực lượng bảo vệ biên giới và hải đảo.
Nhà hát Ford và Nơi tổng thống Lincohn qua đời:
Sau khi thăm viện bảo tàng, chúng tôi được đưa đi xem Nhà Hát Ford nơi tổng thống Lincoln bị ám sát và căn nhà đối diện, nơi ông được đưa tới sau khi bị bắn và qua đời tại đó. Tưởng cũng nên nói sơ qua về việc nầy như sau: Tổng Thống Lincoln rất thích xem hát. Ngày 14/4/1865 ông đến xem hát tại nhà hát Ford thì bị một nghệ sĩ mà ông rất quý mến và coi như bạn là John W. Booth bắn vào đầu. Sau khi bị thương ông được đưa qua căn nhà của một cựu chiến binh tên là Peterson ở đối diện rạp hát để chửa trị. Nhưng ông chết ở đây vì vết thương rất nặng. Chúng tôi được vào xem căn nhà nầy thì thấy chiếc giường nơi tổng thống Lincoln chết. Giường thì ngắn mà tổng thống rất cao (khoảng 1,9 mét) nên ông nằm không vừa. Người ám sát ông ta là Booth thì nhảy từ trên lầu nhà hát xuống đất, bị gãy chân nhưng vẫn trốn được. Hắn ta chạy qua Maryland rồi Virginia. Đến ngày 26/4/1865, quân đội liên bang bao vây một trang trại thuốc lá ở vùng Bowling Green. Họ đốt một nhà kho nơi Booth đang ngủ trong đó. Khi hắn chạy ra thì bị bắn chết nên người ta không biết rõ những kẻ chủ mưu vụ ám sát là ai.
Nhà hát Ford hiện đang được bảo trì. Hàng năm ở đó vẫn còn diễn một số vở kịch. Căn nhà đối diện được chánh phủ mua lại và quản lý như một di tích lịch sử.
Không mấy hứng thú xem một nơi u ám, chúng tôi tiếp tục lên đường tiếp tục đến thăm một căn nhà nổi tiếng thế giới mà người chủ trương xây cất là tổng thống Washington lại không được ở ngày nào. Đó là Toà Bạch Ốc. Trên đường đi, khi ngang qua trụ sở FBI, Robin chỉ cho chúng tôi xem những trụ đèn trông giống như đèn chiếu sáng. Thật ra, ở bên trong lại là những video camera để quan sát những hành vi của khách bộ hành. Tổng hành dinh FBI có tua cho du khách và tham quan, nhưng dĩ nhiên sự bảo vệ an ninh ở đây chắc chắn sẽ rất cẩn mật.
Toà Bạch Ốc:
Xe ngừng ở cạnh một công viên trước Bộ Thương Mại. Chúng tôi phải đi bộ dọc đường số 15th khoảng 300 mét. Bên tay trái là toà nhà Ngân Khố Hoa Kỳ. Đi tới góc đường thì chúng tôi rẽ trái. Đây là một đoạn đường không có xe lưu thông mà chỉ dành cho người đi bộ. Đi chừng 200 mét nữa, chúng tôi đã đứng trước một căn nhà được bảo vệ cẩn mật nhứt thế giới hiện nay: Toà Bạch Ốc.
Robin cho biết, toà nhà nầy xây từ năm 1792 theo đề nghị của tổng thống Washington và quốc hội. Nhưng ông là tổng thống Mỹ đầu tiên mà cũng là duy nhứt không ở trong toà nhà nầy bởi vì nó chỉ hoàn thành năm 1800 (giống như Dinh Độc Lập do ông tổng thống Ngô đình Diệm xây cất, mà tổng thống Nguyễn văn Thiệu mới là người ở đó nhiều nhứt). Lúc đó nó có tên là Dinh Tổng Thống và người đầu tiên cư trú là tổng thống John Adams.
Từ ngoài nhìn vô thì thấy toà nhà không lớn lắm. Thật ra, đó chỉ là căn nhà chính ở giữa. Hai bên căn nhà còn những cánh phụ ở phía đông và tây nên vào thời điểm khánh thành, đây là toà nhà lớn nhứt nước Mỹ. Năm 1812, quân Anh tấn công thủ đô và đốt phá nơi đây. Sau khi họ rút đi, người Mỹ cho sơn trắng để xoá đi những vết khói đen trên tường. Từ đó, toà nhà có tên là White House. Theo thời gian, để tu bổ và phục vụ cho nhu cầu sử dụng, nhiều đợt sửa chữa Toà Bạch Ốc đã được tiến hành. Lần cuối cùng là vào năm 1948 dưới thời tổng thống Truman. Lúc đó toàn bộ đồ đạc bên trong phải dời ra ngoài để người ta tăng cường kết cấu căn nhà bằng những vật liệu mới thay thế cho kết cấu gạch đã hết sức chịu đựng sau hai trăm năm sử dụng. Lúc đó văn phòng tổng thống cũng phải dời đi nơi khác.
Toà Bạch Ốc: nơi làm việc của tổng thống Mỹ,
để ý sẽ thấy có 2 anh lính gác trên nóc
Toà nhà có tên Nhà Trắng, nhưng những căn phòng bên trong lại có tên màu như Phòng Đỏ, Phòng Xanh, Phòng Vàng … Trước vụ khủng bố ngày 11/9/2001, hàng ngày có tua để du khách vào thăm những căn phòng nầy. Hiện nay không biết còn hay không. Chúng tôi tới đây vào buổi chiều nên chỉ thấy vài chục du khách đang chụp hình từ ngoài hàng rào. Thỉnh thoảng có mấy chiếc xe đen, kiếng xe được “tint” màu tối của mấy “cha” an ninh ra vô. Trong xe thấy người ngồi cũng đông mà không thấy rõ mặt. Còn trên nóc phía tây toà nhà thỉnh thoảng thấy có hai tay súng đang đi lại. Cánh tây là nơi đặt Phòng Bầu Dục. Đó là bàn giấy của tổng thống. Không phận bên trên Toà Bạch Ốc là vùng cấm bay. Máy bay nào bay vô là người ta bắn hạ liền không cần báo trước.
Trước Toà Bạch Ốc là công viên La Fayette. Trong công viên có nhiều tượng đài. Tượng ở giữa là của tổng thống Andrew Jackson. Công viên đặt tên theo một người Pháp đã tình nguyện đến Mỹ chiến đấu trong chiến tranh dành độc lập. Công viên nầy cũng là nơi những người chống đối chính sách của chánh phủ biểu tình hoặc phát biểu ý kiến của mình. Hôm nay tôi thấy có một bà cụ ngồi giữa một đống biểu ngữ. Bà nầy đang chống “chiến tranh hạt nhân”.
Đến xem Toà Bạch Ốc, ta biết chỗ ở của tổng thống Mỹ. Nhưng đố bạn ông phó tổng thống ở đâu ? Xin trả lời luôn. Vì lý do an ninh, phó tổng thống không bao giờ ở chung nhà với tổng thống. Ông ta có một dinh thự riêng gọi là Number One Observatory Circle nằm trong khu vực United States Naval Observatory là một cơ quan về khoa học của Hải Quân. Dinh thự nầy cũng được bảo vệ cẩn mật như Toà Bạch Ốc.
Rời Toà Bạch Ốc, chúng tôi lên đường thăm viếng Đài Tưởng Niệm tổng thống Thomas Jefferson. Dọc đường, chúng tôi đi ngang Đài Tưởng Niệm tổng thống Washington.
Washington Memorial:
Đài tưởng niệm nầy có biệt danh là Cây Viết Chì. Nó nằm ở giữa khu National Mall. Đó là một tháp cao, xung quanh có cắm nhiều lá cờ Mỹ tượng trưng cho các tiểu bang. Phải mất hơn 40 năm công trình xây cất đài tưởng niệm nầy mới hoàn tất. Lý do chậm trễ không phải vì vấn đề kỹ thuật mà do thời cuộc và thiếu kinh phí. Khởi công năm 1848, xây được 1/3 thì phải ngưng năm 1854. Sau đó lại có chiến tranh Nam Bắc nên không tiếp tục được. Đến năm 1876 quốc hội mới cấp thêm 200.000 đô la để công binh Mỹ tiếp tục xây cất và hoàn thành công trình năm 1884. Tháp lúc nầy cao 555 feet 5 inches (khoảng 167 mét) và là công trình cao nhứt thế giới lúc đó cho tới khi tháp Eiffel ở Pháp hoàn thành. Do xây thành 2 giai đoạn nên nếu bạn để ý thì sẽ thấy màu đá cẩm thạch trang trí bên ngoài cũng khác nhau. Có thang máy để lên gần đỉnh để ngắm cảnh thủ đô. Muốn tham quan phải tới sớm để sắp hàng vì vé lên thang máy được phát không.
Đài kỷ niệm Tổng Thống Washington còn gọi là “Cây Viết Chì”
Thomas Jefferson Memorial:
Xe ngừng ở bên đường để chúng tôi vào xem Đài Tưởng Niệm tổng thống Thomas Jefferson. Từ đây vào trong xa khoảng 200 mét. Bên trái là hồ Tildal Basin là một hồ nước nhân tạo do ngăn đập lấy nước từ sông Potomac. Dọc đường đi có rất nhiều cây hoa anh đào. Hôm nay đã qua tháng 5, hoa đào đã tàn. Nếu chúng tôi tới sớm hơn một tháng thì sẽ có dịp ngắm một nơi đẹp nhứt thủ đô vào dịp lễ hội hoa anh đào hàng năm. Những cây hoa anh đào ở đây do nước Nhật tặng cho Mỹ vào năm 1912. Hiện nay vẫn có nhiều cây còn sống mặc dù đa số là những cây mới trồng sau nầy.
Đài tưởng niệm nằm trên một ngọn đồi thấp nằm ở phía nam của hồ. Đó là một kiến trúc đồ sộ với những cột to lớn và một mái vòm tròn. Sau khi leo những bậc thang lên đỉnh đồi chúng tôi thấy tượng ông Jefferson màu đen cao hơn 6 mét đứng giữa đền. Xung quanh trang trí với những đoạn văn của Tuyên Ngôn Độc Lập và những câu nói của ông. Tiếng Anh tôi rất dở , nhưng trong khu nầy tôi thích nhứt hai câu dễ nhớ và cũng rất nhiều ý nghĩa. Đó là: “Knowledge is power, knowledge is happiness …”. Kiến thức là sức mạnh, kiến thức là hạnh phúc. Hai câu nói nầy thông dụng quá. Bây giờ tôi mới biết tổng thống Thomas Jefferson chính là người đã phát biểu. Trong lòng đồi có triển lãm về những hoạt động của ông và một tiệm bán đồ lưu niệm.
Đài kỷ niệm Tổng Thống Jefferson
Trên đường trở ra, nếu chịu khó một chút, bạn hãy đi ra chỗ chiếc cầu bắt ngang qua cống lấy nước cho hồ Tidal Basin. Từ đây nhìn về phía bắc thì phong cảnh đẹp hơn nhiều lắm với hồ nước trong xanh và những cây cối chung quanh. Xa xa, bên tay phải là đài kỷ niệm màu trắng nằm trên đồi cao. Phía bắc ở chân trời còn thấy “Cây Viết Chì” ngạo nghễ vươn lên in hình trên nền xanh. Tất cả tạo cho bạn một cảm giác bao la, mênh mông, bát ngát.
Hiện giờ đã gần 6 giờ chiều, chương trình thăm viếng thủ đô còn ba nơi nữa nhưng ở gần nhau, đó là:
Vietnam Veterans Memorial:
Đây là đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam còn gọi là Bức Tường Đá Đen. Tường dài khoảng 150 mét do một nữ sinh viên người Hoa, thuộc đại học Yale, tên Maya Lin thiết kế và thắng giải trong một cuộc thi năm 1981. Hoàn tất năm 1982, đây là nơi có nhiều khách viếng thăm nhứt Washington DC. Mỗi năm có khoảng 3 triệu du khách đến đây. Họ đến để thăm viếng nơi ghi tên 58.000 binh lính đã gục ngã trên chiến trường Việt Nam từ năm 1957 tới năm 1975.
Bức Tường Đá Đen
Lúc đầu tôi tưởng đây là một bức tường vuông vức. Thật ra, chúng gồm 144 tấm cẩm thạch khác nhau có kích thước từ nhỏ đến lớn ghép lại với một góc khoảng 125 độ nếu nhìn từ phía trên. Mỗi tấm rộng khoảng 1 mét và có chiều cao khác nhau và chia làm 72 miếng đặt theo hướng đông và 72 miếng đặt theo hướng tây. Tường rất bóng, ta có thể thấy ảnh của mình ở bên trong các hàng tên. Khách từ phía tây sẽ theo một đường dốc xuống sâu khoảng 3 mét ở khoảng giữa bức tường. Sau đó sẽ đi lên dốc trở lại. Do đó tường nằm “âm” dưới mặt đất. Điều nầy có ý nghĩa như là cuộc chiến Việt Nam là một vùng sâu mà nước Mỹ đã lún vào. Nhưng tất cả đã là quá khứ và chúng ta hãy nhìn sự thật rồi bước tới hướng về tương lai. Phía trước bức tường có rất nhiều vòng hoa tưởng niệm. Nhiều người còn dùng giấy để in tên người thân từ bức tường nầy.
Phía ngoài công viên còn có hai tượng đài. Một mô tả ba chiến binh người Mỹ và một tượng đài khác mô tả những nữ quân nhân đang ôm lấy thi thể của một chiến sĩ đang gục ngã. Đây là tượng đài vinh danh những nữ quân nhân, phần lớn làm y tá, đã chết ở Việt Nam. Hình ảnh của tượng đài nầy đã gây cảm xúc nhiều nhứt cho những du khách trong đoàn chúng tôi.
Lincoln Memorial:
Tượng Tổng Thống Lincoln trong Đài Tưởng Niệm
Đài Tưởng Niệm nằm trên một đồi thấp, nhưng cả ngày nay đi bộ cũng nhiều nên bà xã tôi đã mỏi chân và nói sẽ ngồi chơi và nói chuyện với một bạn đồng hành. Tôi ham vui nên rán leo mấy chục bậc thang vào để lên xem. Đài tưởng niệm nầy hoàn thành năm 1922. Bề ngoài có những hàng cột to lớn trông giống như một kiến trúc Hy Lạp. Bên trong, giữa sảnh đường là tượng ông Abraham Lincoln cao gần 6 mét. Ông ngồi đó, mắt đăm chiêu tự lự xa vời. Nhà điêu khắc đã tạc tượng ông với cặp mắt thật sống động nhưng hơi buồn bã. Quanh tường là điêu khắc những bài nói chuyện của ông. Phía trước đài tưởng niệm là nơi có phong cảnh thật đẹp. Gần gần ở phía dưới là một hồ nước chữ nhựt. Xa hơn có thể nhìn thấy Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Washington. Cuối chân trời là Toà Nhà Quốc Hội cách đây 3-4 cây số. Chiều nay ánh sáng từ phía sau rọi tới nên chụp ảnh thật đẹp.
Ông Abraham Lincoln là vị tổng thống trả lại tự do cho người nô lệ da đen trên đất Mỹ nên trước đài tưởng niệm của ông thường xảy ra những cuộc tập trung biểu tình về vấn đề nầy. Nhớ lại năm 1963, trước tiền sảnh của đài tưởng niệm nầy, luật sư Martin Luther Jr. đã phát biểu một bài diễn văn lừng lẫy mà ai cũng biết với tựa đề: "I have a dream".
Korea War Memorial:
Địa điểm thăm viếng cuối cùng trong ngày hôm nay là Đài Kỷ Niệm Cựu Chiến Binh Triều Tiên. Đài nằm ngay trước Đài tưởng niệm tổng thống Lincoln. Ở đó cũng có một bức tường nhưng không thấy nhiều tên như Bức Tường Đá Đen. Phía trước tường có tượng 19 quân nhân Mỹ đang đi hành quân trong cơn mưa. 19 người lính có tư thế khác nhau và khi thi hành nhiệm vụ. Mắt của họ có vẻ sợ sệt và chăm chú. Chiến tranh lúc nào cũng đem lại như nổi buồn lo cho nhiều người !!!
Tượng những người lính Mỹ đi hành quân trong chiến tranh Triều Tiên
Xem xong hết các địa điểm ở Washington thì cũng gần 7 giờ chiều. Chúng tôi lên xe qua một chiếc cầu bắt ngang sông Potomac để qua Virginia. Con đường dọc sông Potomac rất đẹp vì đi ven sông. Từ đây, chúng tôi nhìn thấy dòng sông chảy khá mạnh ở bên dưới. Bên kia sông thỉnh thoảng có những khu nhà thật xinh đẹp. Robin cho biết những khu gia cư ở đó rất mắc tiền.Trên đường đi, Robin còn kể một chuyện vui. Anh nói: Từ sáng tới giờ nghe kể chuyện lịch sử cũng đã chán. Bây giờ Robin mời bạn nghe một câu chuyện vui vui về thủ đô Washington để thay đổi không khí:
Một cô gái quê thật đẹp đến thăm Washington DC lần đầu tiên. Cô ta muốn tới thăm Capitol mà không biết đường. Cô hỏi thăm một ông cảnh sát. Ông ta chỉ rằng:
- Cô hãy chờ ở trạm xe buýt nầy cho tới khi có xe buýt số 54 tới thì đi. Xe đó sẽ chở cô tới Capitol.
Ba tiếng sau ông cảnh sát trở lại và thấy cô gái vẫn còn ở đó. Hỏi sao cô chưa đi thì cô ta trả lời:
- Thủ đô mà sao ít xe vậy thầy đội ? Chiếc xe thứ 45 mới chạy qua mà thôi. Còn tới 9 chiếc nữa …
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét