Thị trấn An Thới:
Khoảng 11 giờ trưa, chúng tôi tới An Thới là thị trấn nằm ở phía nam đảo. An Thới có vẻ phồn thịnh hơn Dương Đông. Chợ An Thới có bán nhiều hải sản khô. Chúng tôi ghé tiệm Hồng Lan để mua tôm khô, cá khô. Tôm khô loại ngon 300.000 một ký. Tôi thấy ở đây đang phơi cá ngựa (hải mã). Đây là loại mà ngâm rượu uống thì: ông uống mà bà khen. Rồi thấy có bào ngư khô, sò điệp khô nữa. Nói là khô nhưng thật ra, người ta chỉ phơi vừa đủ chớ không hoàn toàn khô cứng đâu. Do đó sau nầy khi về nhà chúng tôi phải phơi lại cho khô thêm rồi mới đem về Mỹ.
An Thới là cảng nước sâu của đảo Phú Quốc. Tàu cao tốc từ đất liền ra đảo sẽ cập bến ở đây. Du khách sẽ phải đi xe về Dương Đông. Ngày xưa, An Thới là bản doanh của hải quân vùng 4. Anh Hoàng cho biết thêm: ngoài khơi An Thới có vài chục hòn đảo. Có hòn có người ở, có hòn hoàn toàn không một bóng người. Ở Phú Quốc có tua tàu đi vòng biển. Tua nầy có tới ngoài khơi An Thới để câu cá hay vào thăm các đảo hoang. Sau nầy nếu có dịp đi chơi tự do ở Phú Quốc tôi sẽ tham gia các tua nầy cho biết.
Bãi Sao:
Sau khi mua hải sản, chúng tôi trở lại đường cũ sau đó rẽ phải để ăn trưa và tắm biển Bãi Sao. Con đường đất đỏ từ lộ chính vào Bãi Sao dài 2 km. Đây là một con đường khổ ải. Đường bị mưa xói mòn nên lồi lõm gập ghềnh. Chúng tôi được "đấm bóp" miễn phí khi ngồi xe trên con đường nầy. Thấy tội nghiệp chiếc xe quá. Đường vào khu du lịch mà bê bối quá !!!
Nhưng không uổng công khi thấy và xuống tắm ở Bãi Sao. Đây có thể là một bãi biển đẹp nhứt Việt Nam. Cát biển trắng mịn. Bãi lại cạn mới sướng. Đi ra xa 50 mét, nước chỉ sâu tới ngang hông mà thôi. Sóng biển cũng không lớn lắm. Nước biển ấm và khá trong. Ta có thể thấy những đàn cá nho nhỏ đang bơi lội. Thời tiết lại rất lý tưởng, không quá nắng, không bị mưa. Trưa nay du khách cũng vắng vẻ. Có chừng 20 chục người mà thôi. Biển đẹp, hoang sơ, thời tiết tốt, chúng tôi đã có những giây phút thật tuyệt vời ở đây. Tắm biển ở đây mà có cảm tưởng như Bãi Sao là một nàng tiên cá còn trinh nguyên đang chờ mọi người tới khám phá !!!
Nhà hàng duy nhứt ở đây tên là Mỹ Lan. Trong sân nhà hàng có nhiều cây có tàng lá xum xuê. Người ta bắt võng, đặt bàn để đãi khách ăn trưa. Họ cũng làm những căn nhà tranh để nếu khách thích thì đặt bàn ... nhậu. Điều đặc biệt ở Mỹ Lan là tắm nước ngọt không phải trả tiền. Người Phú Quốc còn hiền quá và tử tế nữa. Nếu đi Nha Trang hay Vũng Tàu thì họ đã “chặt” đẹp mấy dịch vụ nầy rồi.
Mấy chị theo đoàn không tắm biển mà lại mê mua hạt trai ở một tiệm bán đồ kỷ niệm bên cạnh nhà hàng. Ở đó lại có bán hải sản khô như tôm khô, khô mực, khô cá thiều ...
Tắm biển xong nhà hàng cũng dọn cơm trưa. Món ăn cũng như hôm qua có nhiều hải sản như cá, mực ... Ở đây, ngồi dưới bóng cây mát mẻ lại được hưởng gió mát từ biển thổi vào, không khí thật trong lành và dễ chịu nên chúng tôi có một bữa ăn trưa thật ngon lành.
Làng chài Hàm Ninh:
Ăn trưa xong, chúng tôi từ giã Bãi Sao, khởi hành ngược về phía bắc theo con đường phía đông của đảo. Sau 20 phút, chúng tôi rẽ phải để vào thăm làng chài Hàm Ninh. Đây là làng đánh cá nằm ở phía đông đảo Phú Quốc. Điều đặc biệt ở đây là do bãi biển rất cạn, ra xa vài trăm mét nước biển chỉ sâu không tới 1 mét nên người ta làm một chiếc cầu rất dài bằng bê tông để di chuyển. Chiếc cầu nầy hồi xưa làm bằng gỗ. Nhưng cầu gỗ bị bão đánh sập nên người ta mới xây lại bằng cầu bê tông như hiện nay.
Xe ngừng ở đầu cầu để mấy chị xuống xe mua đồ ăn vặt như chuối nướng ... hay lại xem hạt trai ở một tiệm bên đường. Còn tôi thì tò mò hơn nên ra xa xa trên cầu tàu. Từ đây nhìn về đất liền rất đẹp nhờ có nhiều cây dừa đem bóng mát và tạo cho cảnh trí khá thơ mộng. Bên tay phải là một nhà hàng. Nếu rảnh rỗi tới đây mua một mớ ghẹ nhờ nhà hàng luộc chín rồi vừa ăn vừa nhậu thì … hết xảy. Hai bên cầu, tàu đánh cá đang cập bến dỡ hàng. Ở Phú Quốc có 20.000 chiếc tàu đánh cá, nhưng chỉ là tàu nhỏ đánh gần bờ. Ngư dân ở đây đánh bắt cá cơm cung cấp cho các hãng làm nước mắm hoặc giăng lưới bắt ghẹ, ốc. Còn người nào giỏi thì lặn tìm ngọc trai. Hải sản ở Phú Quốc thật phong phú đã nuôi sống biết bao nhiêu người.
Hoang vu Suối Tranh:
Từ giã Hàm Ninh, chúng tôi đi thăm một địa điểm hoang vu khác: đó là Suối Tranh. Từ đường cái, xe cũng phải chạy vô một đoạn đường thật xấu để tới trạm ngừng cho du khách vào thăm suối. Từ đây, phải đi thêm 800 mét đường dốc để vào trong. Đường đi quanh co, nhưng nhờ có bậc cấp nên cũng dễ đi. Bên tay phải, con suối chảy ngược về phía tây. Nước suối trong trẻo vờn qua những tảng đá, đôi khi bắn lên tung toé. Hai bên đường cây to toả bóng mát. Trong suối cũng có những cây mọc bên bờ hay bên cạnh những tảng đá to lớn. Cây ở Suối Tranh khẳng khiu, rắn rỏi. Đá và cây tạo cho nơi đây vẻ hoang dã, tối tăm. Nhưng chính sự hoang dã đó đã tạo nên sự hấp dẫn và lôi cuốn của con suối. Suối Tranh do những khe đá trong núi hợp lại tạo thành. Dòng chính dài 15 km chảy từ đây ra phía tây của đảo. Người ta nói lúc đầu suối chảy qua nơi có nhiều cỏ tranh nên gọi là Suối Tranh. Nói như vậy không thơ mộng chút nào. Thật ra, gọi suối là Tranh vì cảnh ở đây đẹp như tranh mới đúng.
Xem thêm:Sau 800 mét lên cao dần, cuối cùng thì chúng tôi tới một thác nước. Thác cao chừng 5-6 mét. Bên dưới thác là một hồ nhỏ. Bà xã rủ tôi xuống tắm thác nhưng tôi thấy trong mình không khoẻ nên thôi. Bà ấy và cô Lệ cùng đoàn lần mò xuống thác tắm. Nước suối mát lạnh, nhờ trưa nay trời hơi nóng nên hai bà tắm vui quá. Bà xã tôi cho biết, nước trên thác rơi xuống vào thắt lưng như đấm bóp rất đã. Bà ấy còn cho biết đã mấy chục năm mới có dịp tắm thác trong một khu rừng hoang sơ. Khung cảnh thật trữ tình thơ mộng. (Đó là nhờ có tôi và anh Hoàng đứng gác, chớ ở đây thấy cũng hoang vu, cũng hơi sợ).
Tắm thác chưa đã nhưng do sợ bạn đồng hành chờ lâu nên chừng nửa tiếng sau, bà xã tôi lên tắm nước ngọt và thay đồ. Điều làm bà xã tôi ngạc nhiên là trả tiền thì ông chủ nhà không lấy. Một lần nữa chúng tôi lại mắc nợ dân Phú Quốc và cảm tình của chúng tôi với những người dân chất phát ở đây thật tốt đẹp.
Phú Quốc còn một con suối khác cũng hoang sơ không kém đó là Suối Đá Bàn. Ở đó vào ngày nghỉ, du khách cũng tới chơi đông đảo.
Thấy Phú Quốc vui quá , chúng tôi nhờ anh Hoàng liên hệ công ty để đổi vé máy bay, thay vì mai sẽ về lúc 11:30 thì đổi chuyến về là 3:30. Anh Hoàng hứa liên lạc nhưng không biết có được hay không.
Ghé hãng nước mắm Thịnh Phát:
Trên đường về, chúng tôi ghé thăm hãng nước mắm Thịnh Phát. Nước mắm là một đặc sản của Phú Quốc cho nên hiện nay người ta làm giả nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc rất nhiều. Ước tính số lượng nước mắm trên thị trường có nhãn hiệu Phú Quốc và số lượng nước mắm chính hiệu thì có tới 90% nước mắm Phú Quốc trên thị trường là giả.
Bây giờ ta hãy coi nước mắm Phú Quốc làm như thế nào. Nước mắm Phú Quốc làm từ cá cơm. Cứ 3 phần cá thì rải 1 phần muối thành lớp xen kẽ trong thùng to lớn. Thùng chứa được 10 tấn cá tức thêm 3 tấn muối. Sau đó hỗn hợp được để ủ trong 12 tháng tới 18 tháng. Đợt đầu cho 1.000-1.500 lít nước mắm nhỉ có 40 độ đạm. Các đợt 2, 3 cho 6.000 – 7.000 lít. Xác cá còn lại được dùng làm phân bón cho các vườn tiêu. Các chủ hãng nước mắm thường rất giàu vì vốn làm nước mắm khá nặng. Chỉ cái thùng không đã 15-50 triệu một cái. Rồi còn phải mua cá, muối ... Nhiều hãng còn có đội tàu chuyên bắt cá cơm để cung cấp nguyên liệu cho mình nhằm bảo đảm chất lượng.
Bên chỗ bán nước mắm, người ta trưng bày các chai nước mắm mẫu. Màu nước mắm ở đây trông rất đẹp: đó là màu hổ phách trong lóng lánh. Giá bán là một thùng 6 chai 600 ml giá 135.000 (tính ra một chai khoảng 1 đô la). Nhưng do Hàng Không Việt Nam không cho đem nước mắm lên máy bay nên mua nước mắm ở đây sẽ nhận được biên nhận. Sau đó sẽ nhận hàng ở Tân Sơn Nhứt. Ở đó có đại diện của hãng để giao hàng.
Ngoài hồ tiêu và nước mắm, Phú Quốc còn có một đặc sản nữa: đó là rượu sim. Trái sim hái trong rừng đem về rửa sạch ủ với đường cát cho lên men sau đó để kín trong 40-45 ngày thì có rượu màu hồng, uống có vị cay chua ngọt giống như rượu nho với nồng độ khoảng 11.5%. Rượu sim Phú Quốc được nhiều nơi sản xuất nhưng hiệu Thành Long nổi tiếng nhứt. Người Việt ngày nay thật có tài. Từ một loại trái cây vô danh, họ đã làm ra được một loại sản phẩm có giá trị kinh tế, cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm cho một số người !!!
Dinh Cậu:
Điểm cuối cùng trong chuyến tham quan hôm nay là Dinh Cậu. Dinh là một đền thờ nằm trên một khối đá thật lớn nằm ở cửa sông Dương Đông. Leo lên 29 bậc tam cấp chúng tôi vào thăm dinh. Bên trong thấy thờ Cậu Quý, Cậu Tài. Ngoài ra còn thờ Mẫu nữa. Hình như hai cậu là con của Mẫu tức là Bà Thuỷ. Dân đảo tin rằng hai cậu là vị thần cai quản sông nước và phú hộ cho dân khi có sóng to gió lớn. Tương truyền khi xưa, những ngư phủ ở đây có khi đi biển mà không trở về vì gặp nạn. Bổng một hôm có một mũi đá nổi lên bên bờ biển. Dân đảo cho là linh thiêng nên lập đền thờ để mong được thần linh che chở. Dần dần, nơi đây thành Dinh Cậu mà nơi mà ngư dân sẽ thấy trước mỗi khi ghe trở lại bờ.Trong dinh có hai câu đối cổ:
Vạn cổ anh linh thông tứ hải
Chấn phong bình lượng bảo an dân
(Ngàn xưa anh linh vang bốn biển
Ngăn gió, ngừa mưa bảo vệ dân)
Dinh Cậu là chốn linh thiêng nhưng cũng là một địa điểm ngắm cảnh tuyệt đẹp. Từ đây, nhìn xuống cửa sông tàu bè ra vào tấp nập. Sau con sông uốn khúc là thị trấn Dương Đông yên bình, xóm làng trù phú. Xa hơn nữa là núi non, rừng nguyên sinh với cây cối xanh tươi. Chiều nay, ánh sáng thuận lợi vì chiếu từ phương tây tới nên chụp hình cửa sông Dương Đông rất đẹp. Còn bên phía nam là bãi cát trắng chạy dài. Phía trong là những khách sạn nổi tiếng như Hương Biển, Saigòn - Phú Quốc Resort. Hoàng hôn trên biển Phú Quốc rất đẹp nếu nhìn từ Dinh Cậu. Nếu rảnh rỗi một chút, tôi sẽ ngồi lại đây để ngắm cảnh mặt trời lặn trên biển. Cảnh đó chắc chắn sẽ rất tuyệt vời. Bên phía biển có những khối đá nhỏ với hình thù rất kỳ lạ. Đó là những ghành đá gồm nhiều khối bị xâm thực có hình dáng lởm chởm, gai góc nhưng dân địa phương vẫn thích leo lên đó để ngồi chơi, ngắm cảnh.
Những khối đá hình thù kỳ lạ ở Dinh Cậu
Dinh Cậu xứng đáng là một thắng cảnh độc đáo của Phú Quốc mà bất cứ du khách nào đến thăm Phú Quốc cũng nên ghé thăm cho biết.
Ăn tối ở Sáng Tươi:
Tối nay, chúng tôi lại tiếp tục ăn tại nhà hàng Sáng Tươi. Chúng tôi yêu cầu được thưởng thức lại món cuốn "tả lí lù" hấp dẫn. Các món còn lại thì đổi khác so với thực đơn tối hôm qua. Sau bữa tối, chúng tôi tặng típ và từ giã bác tài xế. Ngày mai bác ta sẽ chở đoàn khác. Chúng tôi sẽ ra phi trường bằng xe khách sạn.
Lại tắm biển ở Phú Quốc:
Anh Hoàng cho biết không đổi vé được và sẽ đón chúng tôi tại khách sạn lúc 10 giờ để về Saigon theo chuyến bay lúc 11:30. Buối sáng hôm cuối cùng, sau khi ăn sáng, chúng tôi tiếp tục tắm biển ở sau khách sạn. Kỳ nầy đi Phú Quốc chúng tôi tắm biển hơi nhiều nhưng do trời không nắng lắm nên không ai bị đen. Tắm biển ở Phú Quốc không thua tắm biển ở Hawaii chút nào. Ở đây cũng có những hàng dừa xinh đẹp, và bãi cát trắng tinh. Do đó, sau khi tắm xong, chúng tôi đem máy ra chụp hình ở đây. Đem về Mỹ khoe với mấy người trong sở, họ đều khen hình đẹp.
Phi trường Phú Quốc:
Đúng 10 giờ, hướng dẫn viên Hoàng có mặt để nhận lại giấy tờ của chúng tôi từ nhân viên khách sạn. Anh đưa chúng tôi ra tới phi trường và lo mọi thủ tục cho chúng tôi. Công ty du lịch thật chu đáo. Thấy anh Hoàng rất nhiệt tình lo lắng mọi việc cho chúng tôi trong ba ngày qua nên tôi tặng cho anh tiền típ khá hậu hĩnh. Có gần một giờ đồng hồ ngồi đợi máy bay, tôi ngó dáo dác để coi phi trường Phú Quốc. Phi trường nầy mới mẻ, có máy lạnh, có hai TV lớn để hành khách giải trí. Toilet của phòng đợi thật sạch sẽ và vệ sinh. Trong phòng đợi có bán hàng kỷ niệm như nước mắm, ngọc trai ... Nhưng ở đây có một món hàng mà tôi chú ý đó là nanh heo rừng. Phú Quốc có rừng nguyên sinh nên có rất nhiều heo rừng. Hồi nhỏ, ba tôi thường mua nanh heo rừng để trong nhà. Ông nói nanh heo có khả năng chống cháy, ngừa phong và đạn bắn không lủng. Mấy người Miên thường hay đeo nanh heo rừng và tin tưởng như vậy. Nhưng phải là nanh heo rũ tức là heo chết để lại chớ không phải heo bị săn được. Tôi thì không tin những điều như vậy, nhưng thấy bán nanh heo rừng ở phi trường nầy thì cũng lạ. Giá một cái nanh dài khoảng 8cm là 320.000 (tức 20 đô la). Không phải là mắc nếu bạn tin rằng nanh heo rừng có khả năng làm những điều như đã nói.
Đã tới giờ lên máy bay. Chúng tôi từ giã Phú Quốc với sự luyến tiếc vì đi chơi chưa đã. Hẹn Phú Quốc một ngày không xa, chúng tôi sẽ quay trở lại./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét