Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Sa Huỳnh - Thắng cảnh trong lòng di tích cổ

Sa Huỳnh, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 60km về phía nam, không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đẹp, là vựa muối quan trọng của miền Trung mà Sa Huỳnh còn nổi tiếng là cái nôi của nền văn hóa cùng tên có niên đại hàng nghìn năm về trước.

Văn hóa Sa Huỳnh trên đầm An Khê

Đây là một khu vực du lịch cho những ai yêu thích khám phá về khảo cổ, lịch sử văn hóa.

Đầm An Khê cách thị trấn Sa Huỳnh khoảng 2 km về phía bắc, sát quốc lộ 1A nên rất thuận tiện cho đi lại. Chỉ cần đứng bên lề con đường là có thể nhìn thấy toàn bộ cảnh vật trong đầm rộng hàng nghìn ha với vẻ bình lặng muôn đời nay. Đây cũng là nơi được nhà khảo cổ ng­ười Pháp M. Vinet phát hiện năm 1909 khi tìm thấy một số lượng lớn quan tài bằng chum (khoảng 200 chiếc).

Văn hóa Sa Huỳnh đã tồn tại hơn 5.000 năm kéo dài từ thời hậu kỳ đồ đá mới đến đầu thời đại đồ sắt trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình đến Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đây là một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo.

Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi (thành phố Quảng Ngãi) hiện lưu giữ và trưng bày hàng trăm hiện vật cổ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh như rìu đá, đồ trang sức, mộ chum và những bộ hài cốt của người cổ đại....

Biển Sa Huỳnh hoang sơ

Khu du lịch Sa Huỳnh nằm cách thị trấn khoảng 1,5 km với những đụn cát lớn che chắn đường ra biển và quốc lộ, khiến bãi biển hoàn toàn yên tĩnh. Biển chưa được khai thác nhiều, vẫn còn nguyên nét hoang sơ với những đường cong cong như vầng trăng non. Vốn nơi đây được đặt tên là Sa Hoàng bởi cát không trắng mà có màu vàng óng ánh rất đẹp. Nhưng vì chữ ‘Hoàng’ trùng tên Chúa Nguyễn Hoàng thời Nguyễn nên buộc phải đổi thành Sa Huỳnh.

Biển không có đá ngầm, chỉ thoai thoải dốc. Tuy được phát hiện cách đây đã trăm năm nhưng đến nay, biển Sa Huỳnh vẫn còn hoang sơ đến kỳ lạ. Những rặng dương hiền hòa, nước biển xanh ngăn ngắt, những rạng san hô với hình thù kỳ ảo… đã khiến Sa Huỳnh không giống bất cứ một bờ biển nào.


Thử sức làm diêm dân

Cách bến cảng Sa Huỳnh chừng 500 m về phía đông bắc là cánh đồng muối nổi tiếng với diện tích khoảng 500 ha, sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. Dưới ánh mặt trời chói chang, vô số thửa ruộng nhỏ nối tiếp nhau tạo nên một cánh đồng chuyên dụng làm muối rộng lớn.

Nghề làm muối kéo dài từ khoảng tháng 4 đến tháng 7 trong năm. Một ngày làm muối bắt đầu từ sáng sớm. Thời điểm này là công đoạn làm đất, tưới nước biển lên sân phơi và rắc muối mồi. Đầu tiên phải ngâm cát và nước biển, sau đó đem cát đó phơi trên sân đất nện. Khi khô trên từng hạt cát sẽ kết tinh từng hạt muối nhỏ. Nếu bất chợt có mưa trong ngày thì coi như mất trắng công. Sau khoảng 3 ngày nếu trời nắng to hoặc có gió nồm thì diêm dân (người làm muối) có thể thu hoạch thành quả lao động của mình với những hạt muối trắng lấp lánh.


Một lần đến với Sa Huỳnh, bạn sẽ được đắm mình trong làn nước mắt trong xanh, ngắm nhìn những hạt cát vàng óng ánh, thử sức làm diêm dân dưới cái nắng của miền Trung, cùng với sự thật thà, chất phát của con người nơi sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm thú vị. Cùng với thắng cảnh ghềnh đá Châu Me, Đảo Khỉ, Sa Huỳnh trở thành một điểm du lịch hè lí tưởng cho bạn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét