Pleiku không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp huyền bí của hồ Tơ Nưng - mắt ngọc trên cao nguyên xanh, khám phá vẻ đẹp của thác bảy tầng, đồi thông Hà Tam, chinh phục đỉnh Hàm Rồng.Ngoài ra khi đến với phố núi Pleiku, bạn có cơ hội khám phá văn hóa công chiêng Tây Nguyên, thưởng thức những món ngon khó quên nơi đây.
Với những ai đã từng một lên đặt chân lên vùng đất cao nguyên này, không ngừng trầm trồ khen ngon những món ăn đường phố sau đây, chính sự độc đáo trong ẩm thực đã tăng thêm sự tò mò, thú vị và níu chân biết bao du khách.
1. Phở khô Gia Lai (Phở hai tô)Đây là món ăn nổi tiếng nhất tại phố núi Pleiku, bạn có thể thưởng thức phở khô tại các quán ăn ven đường hay tại các nhà hàng sang trọng. Phở khô hay còn được gọi là phở hai tô, gồm một tô phở và một tô nước súp.Bánh phở có sợi nhỏ như sợi hủ tiếu gõ, nhưng săn và hơi dai, nhờ đó mà khi trộn chung với các loại gia vị khác bánh phở sẽ không bị nát.
Bánh phở được chần chín, một ít giá chần, hành phi và thịt lợn nạc băm nhuyễn được phủ đều lên. Nước súp để riêng một tô, bạn có thể ăn kèm với thịt bò tái, bò viên hoặc thịt gà. Đặc biệt nước súp không quá đậm đà cũng không quá nhạt nên khi ăn với bánh phở bạn sẽ cảm thấy rất vừa miệng. Khi ăn, bánh phở được trộn đều với tương ớt, tương đen... và ăn kèm với một số loại rau như xà lách, rau cần, giá chần..
Trong tiết trời se se lạnh của vùng cao nguyên, được thưởng thức món đặc sản này thì còn gì bằng.
2. Lụi nướng phố núi
Là một món ăn chơi đơn giản nhưng khá nổi tiếng và phổ biến của giới trẻ ở phố núi Pleiku. Lụi là từ địa phương mà người dân ở đây dùng hình thức chế biến để đặt tên cho món ăn. Lụi được chế biến với hai thành phần chính là bánh tráng và thịt heo. Thịt heo mua về rửa sạch thái nhỏ trộn đều với nấm mèo thái nhỏ.
Dùng một miếng bánh tráng mỏng, cho vào một ít hỗn hợp đã chế biến, gói lại hình chữ nhật, gần bằng ngón tay út người lớn. Dùng que tre nhỏ lụi qua từng miếng và nướng trên bếp than hồng. Khi nướng, nhớ trở đều tay để những cây lụi không bị cháy xém. Lụi được ăn kèm với mắm me chua chua, ngọt ngọt nhưng hơi cay làm thực khách vừa ăn vừa xuýt xoa.
3. Đậm đà bún mắm cua
Bún mắm cua là món ăn đường phố đặc biệt đáng tự hào của người dân phố núi Pleiku. Món ăn là sự pha trộn giữa mắm cua, thịt ba chỉ, măng, chả, nem chua, rau sống.... với nước cua lên men đậm mùi.
Bún mắm cua khá kén người ăn bởi mùi vị đặc trưng của nó. Không phải ai cũng có thể chịu được mùi nồng nồng của mắm nguyên chất và nước cua lên men. Bún cua có vị mặn của mắm, vị thơm các loại rau, vị nồng đặc trưng của bún mắm, vị cay của ớt, âm thanh giòn rụm của da lợn... tất cả hòa quyện nhau tạo nên món ăn lạ miệng. Nếu ai đã thưởng thức qua một lần thì không thể quên được hương vị đậm đà khó quên của món ăn đặc biệt này.
4. Muối kiến vàng
Muối kiến vàng được xem là một tuyệt chiêu của người Gia Lai vùng Ayun Pa, Krông Pa. Để làm món muối lạ lùng này người ta phải vào rừng… bắt kiến. Trong rừng sâu mới có loại kiến vàng to con, vàng ươm, bụng căng mọng.
Kiến bắt về rang sơ qua lửa rồi giã với ớt rừng, lá thèn len và vài loại lá rừng khác. Kiến vàng có vị mặn đồng thời bụng kiến chứa đầy thứ dịch chua, vậy là món chấm vừa có vị chua vừa hơi măn mẳn tương tự như muối và chanh. Tuy nhiên muối kiến vàng thật sự ngon đậm khi có thêm muối hột giã nhỏ cùng.
5. Bò một nắng
Nếu đến với thành phố biển Phan Thiết bạn được thưởng thức món mực một nắng ngon tuyệt thì đến với phố núi Pleiku bạn sẽ được một đặc sản một nắng nữa đó chính là món bò một nắng.
Bò một nắng cũng như những sản vật khác của miền cao thường tập trung về phố núi Krông Pa, một huyện cửa ngỏ miền núi tỉnh Gia Lai sát cạnh cao nguyên Sơn Hòa tỉnh Phú Yên.
Ban đầu, hương vị bò một nắng còn đơn sơ, nhưng khi giao thoa với văn hóa ẩm thực miền xuôi nó trở nên đa vị hơn. Miếng bò mang hương vị của núi rừng trầm mặc đã trở nên đậm đà, phong phú bởi hơi hướm mặn mà khẩu vị xứ biển. Sự giao hòa miền núi và miền xuôi đó mà thành cái tên “bò một nắng hai sương”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét