Một góc ao Bà Om xanh mát. Ảnh: PĐQ
Câu hát ấy người địa phương ai cũng thuộc làu vì nó đã được viết chữ to tướng trên các tấm bảng lớn đặt tại các cửa ngõ vào thị xã Trà Vinh lúc bấy giờ. Chính vì vậy mà cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí đến Sài Gòn và một số nơi khác ở miền Đông, miền Trung cũng có người biết đến. Họ biết đến ao Bà Om cũng là nhờ một cuốn tiểu thuyết bán chạy lúc bấy giờ có nhắc đến địa danh nầy khi cho một cặp tình nhân đến đây tâm sự.
Ao Bà Om có gì mà cuốn hút khách địa phương, kể cả khách phương xa đến vậy? Ngoài những lẽ trên còn vì ao Bà Om được người Trà Vinh phong tặng là “Đà Lạt thứ hai”. Kể cũng không ngoa, vì ao Bà Om được bao bọc bởi bốn con đê cao gần hai thước. Bốn con đê vuông vức nầy nối tiếp không ngừng những gốc sao dầu cổ thụ. Tàng lá sao dầu phủ rợp cả vùng, tạo nên cảnh quan vừa tĩnh mịch, vừa u nhã, mát lành. Trong không gian trầm lắng ấy, tiếng gió rì rào xuyên qua cành lá sao dầu như tiếng ngàn thông vi vút xứ lạnh cao nguyên Langbian.
Đi dạo quanh ao hóng gió đã thích, càng khoái hơn khi bắt gặp những tuyệt tác tự nhiên không đâu có. Đó là những đoạn rễ sao dầu lồi nổi trên mặt đất. Chúng tạo thành những hang động kỳ quái, những chỗ ngồi độc đáo, những tác phẩm mỹ thuật không trùng lặp. Cho nên bất cứ du khách nào khi chiêm ngắm những rễ sao dầu lồi cũng đều không khỏi ngẩn ngơ lòng dạ, bồi hồi thầm khen cái khéo tay của tạo hóa. Vì, bàn tay con người không thể nào thực hiện được. Và tạo hóa đã ban đặc ân nầy cho ao Bà Om để nó lúc nào cũng hút hồn người thưởng ngoạn cảm xúc lâng lâng.
Người ta càng khoái thích khi nghe kể về huyền thoại đào ao. Chuyện kể rằng, từ thời xa xưa, khu vực nầy có đông người Khmer sinh sống. Vì là khu vực thiếu nước ngọt sinh hoạt nên dân làng muốn đào hai cái ao lấy nước dùng vào mùa khô. Làng bèn tổ chức cuộc thi đào ao giữa hai nhóm nam và nữ, thời điểm chấm dứt là khi sao Mai mọc. Việc đào ao nhằm quyết định bên nào thua sẽ phải đi cưới xin bên thắng cuộc. Bên nam ỷ sức mạnh gân cốt của mình, coi thường phái nữ ốm yếu, nên vừa đào ao vừa nhậu nhẹt vui chơi thỏa thích.
Bộ rễ cây tạo thành chỗ ngồi nghỉ chân tuyệt vời. Ảnh: Phù Sa Lộc
Tự thấy thực lực yếu kém nên bên nữ ra sức đào ao. Nhưng sức nữ có hạn nên người chỉ huy bên nữ là bà Om nghĩ cách dụng mưu để chiếm phần thắng. Vậy là ngoài việc cố gắng đào ao cật lực, họ còn thả ngọn đèn lồng ở phía đông giả làm sao Mai. Thấy vậy, tưởng sao Mai đã mọc, nhóm nam ngưng đào. Đến sáng thì ao bên nam đào chẳng được là bao, nên rất cạn, đến nay theo thời gian dần biến mất. Riêng ao bên nữ hoàn thành như dân làng mong đợi, dấu tích còn mãi đến ngày nay. Và người ta lấy tên bà Om đặt tên ao. Và tục lệ nam phải đem lễ vật đi xin cưới nữ cũng bắt đầu thực hiện từ đó.
Ao Bà Om cách thành phố Trà Vinh khoảng 6km, thuộc khóm 3, phường 8. Ao có hình chữ nhật, ngang 300m, dài 500m, tính theo chiều dài đê bao quanh. Thoạt nhìn, người ta có cảm giác nó hình vuông nên cũng gọi là Ao Vuông. Ao rộng, lúc nào cũng có nước. Trong làn nước trong xanh ấy nổi bật lên những đóa sen hồng, hoa súng đỏ tinh sạch, gợi cảm. Thỉnh thoảng, mặt nước ao xao động, rồi bay vút lên trời những cánh le le cùng tiếng kêu trong chiều vắng thanh u.
Bộ rễ cây sao dầu cổ thụ tạo hình thù kỳ quái hấp dẫn. Ảnh: Phù Sa Lộc
Ngắm cảnh thỏa thuê, khách thả bộ trên mặt đê ngập tràn cát mịn, ngập tràn sao dầu rễ nổi, ngập tràn âm thanh lá gió vi vu. Ngồi trên rễ cây nổi, nhìn những cặp tình nhân dìu nhau thơ mộng, nhìn những tay máy nghiệp dư ngây ngất bấm máy ghi hình, nhìn mây trời dìu dịu trôi, tưởng không gì lạc thú bằng.
Nhưng thích thú nhất là được tham dự lễ hội Oc Om Bok - một trong ba lễ hội trọng thể của người Khmer Nam Bộ - được tổ chức trọng thể tại đây. Đêm tràn ngập âm thanh dặt dìu của mấy đội ngũ âm, tiếng hát à day giao duyên tình tứ, tiếng trống sa dăm rộn ràng và tiếng người huyên náo trong đêm lễ hội như một đêm trắng không cùng.
Hòa trong không khí ấy là cuộc sống đời thường rộn rịp reo vui. Chỗ nầy một nhóm nam đùm túm chén chú chén anh rôm rả. Chỗ kia mấy cô thiếu nữ e thẹn trước lời trêu ghẹo của mấy chàng trai hơ hớ xuân thì. Đêm vui kéo dài. Bụng chưa đói đã nghe thấy réo sôi ùng ục vì mùi bò hóc từ mấy cái nồi om nước lèo bán bún tỏa ra thơm ngát.
Danh thắng ao Bà Om làm đẹp tên tuổi đất Trà Vinh, đã được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa vào tháng 8 năm 1994
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét